Đẩy mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra an toàn bức xạ trong lĩnh vực y tế

Tuấn Phùng

(Tài chính) Thống kê mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy ở nước ta hiện có khoảng hơn 4000 cơ sở có các hoạt động liên quan đến bức xạ và hạt nhân, trong đó có hơn 3000 cơ sở X-quang y tế thuộc diện quản lý và cấp phép của các Sở Khoa học và Công nghệ. Trong năm 2014, nhằm tăng cường sự kiểm soát của cơ quan quản lý đối với các đơn vị sử dụng thiết bị X-quang y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh/thành phố triển khai hoạt động thanh tra chuyên đề diện rộng đối với các cơ sở X-quang y tế.

Cần tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động của các cơ sở liên quan đến bức xạ và hạt nhân, đặc biệt là các đơn vị có sử dụng thiết bị X-Quang y tế.
Cần tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động của các cơ sở liên quan đến bức xạ và hạt nhân, đặc biệt là các đơn vị có sử dụng thiết bị X-Quang y tế.

“Mạnh tay” với sai phạm

Thống kê cho thấy, trong năm 2014, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã thực hiện được 12 đoàn thanh tra với tổng số 52 cơ sở trên địa bàn 11 tỉnh và thành phố, trong đó có 08 đợt thanh tra đột xuất. Đặc biệt, chỉ riêng đối với các cơ sở y tế, số lượng các cuộc thanh tra đã nhiều thứ hai, chiếm 30,8% (sau cơ sở công nghiệp chiếm 46,2%) trong tổng số các cuộc thanh tra được cơ quan này triển khai trong năm 2014.

Tính đến ngày 31/10/2014, qua số liệu tổng hợp từ các Sở Khoa học và Công nghệ, cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề về an toàn bức xạ đối với các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang y tế năm 2014 trong cả nước đã thu được các kết quả cụ thể như sau: Số lượng cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 1.493 cơ sở, trung bình mỗi địa phương xấp xỉ 24 cơ sở được thanh tra; Tổng số có 821 lượt hành vi vi phạm với 323 cơ sở bị xử phạt hành chính chiếm 21.6% số cơ sở được thanh tra, tổng số tiền phạt là 862.300.000 đồng.

Bên cạnh đó, theo Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, ngoài xử phạt hành chính, cơ quan thanh tra cũng đã áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như đình chỉ sử dụng thiết bị, tước quyền sử dụng giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

Kết quả các cuộc thanh tra chuyên đề cho thấy, các hành vi vi phạm điển hình được phát hiện và xử lý gồm: Vi phạm quy định về kiểm soát liều chiếu xạ các nhân (152/821, chiếm 18.5%); Vi phạm về giấy phép tiến hành công việc bức xạ (82/821, chiếm 10.0%); Vi phạm về kiểm định máy (83/821, chiếm 10.1%); Vi phạm về đánh giá an toàn phòng chụp (41/821, chiếm 5.0%).

Đáng chú ý một số địa phương phát hiện được nhiều vi phạm như: Bình Phước (20/27 cơ sở được thanh tra, chiếm 74.1%), Khánh Hòa (15/21 cơ sở được thanh tra, chiếm 71.4%), Đắk Nông (10/15, chiếm 66.7%), Ninh Bình (3/5, chiếm 60%)…

Bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế

Có thể nói, các cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng đã ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn bức xạ đối với các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang trong y tế, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cuộc thanh tra cũng đạt được mục tiêu nâng cao trách nhiệm và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn bức xạ đối với các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang y tế…

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó là thông qua những cuộc thanh kiểm tra chuyên đề này, cơ quan chức năng đã phát hiện ra một số bất cập trong công tác quản lý về an toàn bức xạ. Theo đó, các quy định và chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử của các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang y tế còn chưa cao; Có trường hợp, tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện đúng qui định của pháp luật... Thực trạng này cũng phản ánh một thực tế đó là lực lượng thanh tra khoa học công nghệ hiện nay còn mỏng, công tác thanh tra chưa được thực hiện thường xuyên, trong khi đó, sự phối hợp của cơ quan quản lý tại một số địa phương chưa chặt chẽ và chưa chủ động. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn chưa hiệu quả. Một số thiết bị chuyên dụng, đặc thù phục vụ cho yêu cầu kiểm tra ngay tại chỗ của Đoàn thanh tra hiện vẫn chưa được trang bị đầy đủ...

Trong nỗ lực nhằm bảm đảm an toàn bức xạ trong lĩnh vực y tế, ngày 9/6/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Y tế cũng đã ký ban hành Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT quy định về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế. Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/7/2014, Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 2237/1999/TTLT-BKHCNMT-BYT ngày 28/12/1999 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Y tế hướng dẫn việc thực hiện an toàn bức xạ trong y tế. Với 4 chương với 31 điều, Thông tư này quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế, bao gồm các khía cạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị; nhân viên bức xạ; tiến hành công việc bức xạ và giám sát an toàn bức xạ.

Theo đó, Thông tư số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT đã quy định thiết bị bức xạ phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng lần đầu tiên; kiểm định định kỳ 1 năm/lần đối với thiết bị xạ trị, thiết bị chụp cắt lớp vi tính CT scanner, thiết bị X quang tăng sáng truyền hình và 2 năm/lần đối với các thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế khác kể từ ngày đưa vào sử dụng; kiểm định sau khi lắp đặt lại hoặc sửa chữa thiết bị. Ngoài ra, thiết bị xạ trị còn phải thực hiện kiểm tra chuẩn liều chiếu xạ theo tần suất do nhà sản xuất khuyến cáo. Theo Thông tư, cơ sở y tế chỉ được lắp đặt một thiết bị trong mỗi phòng làm việc, riêng đối với thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế cho phép bố trí 02 thiết bị trong một phòng nhưng phải bảo đảm chỉ một thiết bị được vận hành tại một thời điểm. Bên cạnh đó, Thông tư 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT cũng đặt ra giới hạn tối thiểu đối với phòng đặt thiết bị trong đó có thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế và thiết bị xạ trị... Những quy định cụ thể này được kỳ vọng sẽ góp phần bảo đảm an toàn bức xạ trong lĩnh vực y tế mà hiện nay vẫn được đánh giá là “đang rất khó kiểm soát”.