Ngành Tài chính:

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm

PV.

(Taichinh) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính trong toàn hệ thống nhằm làm tốt công tác trên.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng:

Căn cứ quy định của Luật, chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết Trung ương 3, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng, Bộ Tài chính đã ban hành và chỉ đạo các đơn vị ban hành chương trình hành động để tổ chức triển khai trong hệ thống; chú trọng việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách tài chính đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp với thực tiễn; đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới (hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành) văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế, tài chính liên quan đến lĩnh vực ngân sách, thuế, hải quan, bảo hiểm, chứng khoán, y tế, xã hội... các định mức, tiêu chuẩn, chế độ về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng trụ sở, phương tiện, trang thiết bị... còn sơ hở dễ dẫn đến tham nhũng nhằm đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, phù hợp hơn với tình hình thực tế về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, từ đó góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã được các cơ quan, tổ chức trong ngành Tài chính triển khai, thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo của Bộ và đã thu được những kết quả tích cực:

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các đơn vị trong ngành đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 3, nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí; có sự phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn, quán triệt, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật; xây dựng chương trình hành động, báo cáo kết quả PCTN theo đúng quy định.

- Công tác học tập, phổ biến, tuyên truyền các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực: Tính đến tháng 6/2015, Bộ Tài chính đã tổ chức 72 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN cho hơn 4.167 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia; đồng thời phát hành 01 cuốn sách, tài liệu về pháp luật PCTN. Qua nghiên cứu, học tập các văn bản liên quan đến công tác PCTN, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về công tác PCTN được nâng lên; đa số cán bộ, công chức, viên chức đồng tình với những chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trong công tác này.

- Thường xuyên rà soát, phát hiện các cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính còn phức tạp hoặc có sơ hở dễ bị lợi dụng dẫn đến tham nhũng, lãng phí để sửa đổi, bổ sung kịp thời; thực hiện triệt để các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, đẩy mạnh công khai, minh bạch và các biện pháp khác để tăng cường phòng ngừa tham nhũng trong các lĩnh vực nhạy cảm dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, như Thuế, Hải quan, quản lý dự án đầu tư xây dựng, thực hiện tốt việc kê khai minh bạch tài sản thu nhập; Công tác cải cách hành chính được đặc biệt quan tâm; Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, một số vụ việc tham nhũng liên quan đến cán bộ, công chức trong ngành đã được phát hiện và xử lý kiên quyết, nghiêm minh.

2. Đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

Trong những tháng đầu năm 2015, Thanh tra Bộ đã tích cực đôn đốc các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ và các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện, tổng hợp báo cáo kết quả tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đúng quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng báo cáo tổng hợp chung của Chính phủ về thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình ra Quốc hội khóa XIII, tại kỳ họp thứ 9 (vào tháng 5/2015). Báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ về tình hình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực của đời sống xã hội theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và được các cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá cao.

- Kết quả Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 đã có sự tiến bộ hơn những năm trước, góp phần sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực từ NSNN và trong dân cư cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Một số lĩnh vực có sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt được kết quả đáng khích lệ, như:

+ Công tác quản lý, sử dụng NSNN được Chính phủ điều hành linh hoạt, chặt chẽ, tiết kiệm, cơ bản đã bảo đảm chi NSNN đúng mục tiêu, nội dung chi trong phạm vi dự toán được giao và chế độ, định mức quy định. Các cấp, các ngành đã chủ động rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, chi phí công tác ngoài nước và các khoản chi tiêu khác chưa thực sự cấp bách nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

+ Công tác quản lý đầu tư xây dựng được tăng cường trong tất cả các khâu, ưu tiên xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN, tập trung vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, qua đó, đã sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư, từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, góp phần chống thất thoát, lãng phí, phân tán nguồn lực và đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong quản lý đầu tư công.

+ Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo lập môi trường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

- Thanh tra Bộ đã chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong quá trình xây dựng, trình Bộ, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 365/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai, xây dựng và ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của bộ, ngành, địa phương mình.

Ngoài việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Tài chính còn làm tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo:


Tổng số đơn thư nhận trong 6 tháng năm 2015 là 275 đơn thư; trong đó: 50 đơn khiếu nại, 74 đơn tố cáo, 151 đơn kiến nghị, đề nghị, hỏi chính sách chế độ.

Kết quả giải quyết như sau: Chuyển nội bộ, các đơn vị trong ngành Tài chính giải quyết 54 đơn; Nghiên cứu đơn, xác định thẩm quyền để chuyển đến các cơ quan ngoài ngành 41 đơn; Lưu hồ sơ các đơn thư Bộ giao cho các đơn vị thuộc Bộ chủ trì xử lý, các đơn trùng, đơn gửi nhiều lần, đơn tố cáo nặc danh có nội dung không rõ ràng, đơn đã có kết luận hoặc đã được rút đơn và đơn đã gửi đến nhiều cơ quan trong đó đã gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết là 155 đơn; Thu thập thông tin, phân tích vụ việc trình Lãnh đạo Thanh tra Bộ xét duyệt và ký văn bản hướng dẫn hoặc trả lời đương sự 18 đơn; Hiện có 07 đơn đang trong thời hạn xử lý; Nghiên cứu xử lý và trình Lãnh đạo Bộ xét duyệt 11 lượt đơn giải quyết khiếu nại, tố cáo phản ánh, kiến nghị đề nghị; Nghiên cứu tham gia ý kiến với các đơn vị thuộc Bộ trong việc xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo 34 lượt.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Thanh tra Bộ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Những vụ việc có tính chất phức tạp bức xúc đều được Lãnh đạo cơ quan quan tâm chỉ đạo giải quyết để xử lý dứt điểm; công tác đôn đốc và kiểm tra việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo được duy trì thường xuyên.

Làm tốt công tác này thanh tra Tài chính đã góp phần lấy được lòng tin của các tổ chức và người dân liên quan cũng như tạo được dư luận tốt trong xã hội.

Nguồn: Tổng hợp theo báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2015 củaBộ Tài chính.