Đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm

PV. (Tổng hợp)

Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2017/QH14 về việc đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong thời gian qua, hệ thống văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm được ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện; công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp đã được tăng cường; hệ thống tổ chức quản lý, điều kiện làm việc của các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm từng bước được kiện toàn và tăng cường từ trung ương đến địa phương; quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước...

Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn khá phổ biến; sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; thực phẩm nhập lậu vẫn diễn ra; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém; sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn.

Theo đó, để khắc phục những hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, trong giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội giao Chính phủ tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, khẩn trương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm để sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan theo hướng quy định rõ các điều cấm và tăng chế tài xử lý; khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong phân công quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành các quy chuẩn kỹ thuật chính về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Hai là, đến hết năm 2018, kiện toàn cơ bản bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp theo hướng tập trung đầu mối, rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Ở cấp xã, phân công cán bộ theo dõi an toàn thực phẩm. Tăng cường năng lực, điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ quản lý an toàn thực phẩm ở các cấp, tạo sự chuyển biến rõ rệt về an toàn thực phẩm.

Ba là, phấn đấu giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người, giảm tỷ lệ mẫu thực phẩm kiểm tra không đảm bảo an toàn, tăng tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm so với giai đoạn trước.

Có lộ trình và giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề yếu kém: về dư lượng vượt ngưỡng cho phép của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ, thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đường phố; ngộ độc thực phẩm cấp tính và mãn tính; kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, hàng nhập lậu và gian lận thương mại; kiểm soát môi trường đất, nước cho sản xuất thực phẩm an toàn.

Bốn là, hoàn thiện chính sách về đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm đồng bộ với quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất an toàn; có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi khép kín, áp dụng chương trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, hệ thống kiểm soát chất lượng tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ, bảo đảm an toàn thực phẩm, có lộ trình giảm tỷ trọng sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, kém chất lượng.

Năm là, đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm sang kiểm soát theo quá trình sản xuất, dựa trên phân tích nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; tăng cường hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm; chỉ đạo các địa phương phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn và kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ; tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống giám sát, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm;

Kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; tăng các biện pháp, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng; tiếp tục thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, đánh giá tổng kết và mở rộng mô hình khi có kết quả tích cực.

Sáu là, bố trí đủ ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm theo dự toán. Cho phép sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó được trích một tỷ lệ hợp lý khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tăng cường xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính và một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm; thực hiện tốt việc tổ chức đánh giá, công nhận các cơ sở thực hiện xã hội hóa quản lý an toàn thực phẩm và chỉ định các cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm tham gia kiểm định, giám định chất lượng thực phẩm. Phối hợp tích cực với hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp, đặc biệt là của người dân trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bẩy là, tăng cường công tác giáo dục truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; biểu dương kịp thời những điển hình tiên tiến, công khai những tồn tại yếu kém, những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm của tổ chức và cá nhân; tránh đưa thông tin không đúng sự thật gây hoang mang trong dư luận ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng và phát triển các kỹ năng truyền thông; nâng cao số lượng, chất lượng các tài liệu và thông điệp truyền thông về an toàn thực phẩm. Thiết lập hệ thống thông tin hỏi đáp phục vụ người dân, cung cấp thông tin, phản ánh về an toàn thực phẩm; tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Tám là, chú trọng công tác đào tạo, tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức đào tạo lại cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm tại các tuyến; từng bước tăng tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực vận động sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế cho công tác an toàn thực phẩm.