Điểm lại những vụ thực phẩm “ngậm” hóa chất làm rúng động dư luận
Cà phê trộn bột đá, pin con Ó; ruốc bẩn nhuộm phẩm màu; bánh chưng luộc bằng lõi pin... là những vụ thực phẩm nhuốm màu hóa chất xôn xao dư luận.
Vụ cà phê trộn bột đá, đất và pin con Ó thời gian gần đây khiến dư luận dậy sóng bởi người sản xuất đã bán các sản phẩm độc hại mà không màng tới an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đó không phải là chuyện xưa nay hiếm, mà có rất nhiều tiểu thương chỉ vì cái lợi trước mắt nên đã sử dùng các sản phẩm độc hại để chế biến thức ăn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng điểm lại những vụ thực phẩm "ngậm" hóa chất làm rúng động dư luận thời gian qua.
Cà phê trộn pin con Ó
Ngày 16/4, Cảnh sát Môi trường tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Thanh tra sở Nông nghiệp đã ập vào kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột của bà Nguyễn Thị Loan ở xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lâp, bắt quả tang nơi đây đang pha trộn tạp chất vào cà phê.
Theo khai nhận của chủ cơ sở này, hàng ngày, họ đi thu mua các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê… tại các đại lý. Sau đó, công nhân dùng chất bột màu đen của pin hòa với nước rồi đem nhuộm với cà phê. Số cà phê này được đem rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường.
Vụ việc trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm khi ngày càng nhiều các loại thực phẩm đang bị “đầu độc”. Trước nay, việc sử dụng pin để lẫn vào thực phẩm đã từng được các cơ quan chức năng quản lý phát hiện.
Ruốc bẩn nhuộm phẩm màu
Ruốc biển sau khi được đánh bắt từ biển sẽ được nhuộm màu đỏ gạch au trước khi đưa ra thị trường để làm gia vị, thực phẩm chế biến trong các món xôi vỉa hè, bánh tráng bịch, muối tôm...
Hình ảnh “bắt quả tang” ngư dân Gành Đỏ (Sông Cầu, Phú Yên) ướp ruốc bằng hóa chất màu đỏ ngay tại bãi biển được chị Lê My (Phú Yên) đăng tải trên trang cá nhân của mình vào giữa tháng 3/2016 đã "gây bão" dư luận về vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam thời gian gần đây.
Theo người dân ở đây, lâu nay họ vẫn sử dụng chất tẩm màu cho ruốc. Vì ruốc đánh bắt lên là chuyển sang màu trắng bạc, nhiều thương lái họ chê nên người ta dùng hóa chất tẩm màu cho đẹp, dễ bán hơn. Hiện chưa có cơ quan nào đưa ra kết luận về mức độ nguy hại của việc “tắm” hóa chất trên cho ruốc đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Bánh chưng, ngô luộc bằng lõi pin
Theo tiết lộ của nhiều người bán hàng, để tiết kiệm thời gian nấu bánh, người ta đã dùng lõi pin cho vào khiến bánh vừa nhanh chín, vừa có màu đẹp.
Bình thường, để có thể “ra lò” một mẻ bánh chưng, người ta cần luộc trong vòng từ 10-12 tiếng. Nhưng chỉ với 1 lõi cục pin cho vào, người ta đã rút ngắn thời gian luộc bánh chỉ trong vòng 2 tiếng.
Được biết, môi trường chính của pin là kiềm. Trong môi trường kiềm, màu xanh chlorophyll của lá chuyển thành màu xanh đậm của chlorophyllin nên làm lá xanh hơn (người ta vẫn ứng dụng điều này bằng cách khi luộc rau đậu cho thêm thuốc tiêu NaHCO3 tạo môi trường kiềm nhằm làm xanh rau đậu).
Cũng trong môi trường kiềm, tinh bột hấp thụ nước tốt hơn nên bánh mau chín hơn. Đồng thời, môi trường kiềm tạo độ trong cho sản phẩm. Như vậy, thực chất của vấn đề cho pin vào nước luộc là tạo môi trường kiềm nhằm làm xanh lá, bánh mau chín và nếp trong.
Việc dùng pin để đẩy nhanh thời gian luộc không chỉ được áp dụng cho bánh chưng mà còn cho cả ngô.
Nhiều người bán ngô luộc lâu năm thừa nhận, công thức luộc ngô là 200 trái bắp cho khoảng một ít hương bắp, 2-3 muỗng muối diêm và 2-3 muỗng đường ngọt, cộng một cục pin. Nếu muốn bắp lâu ôi thiu, chỉ cần cho chất bảo quản vào thì bắp ngày hôm nay bán không hết, mang về luộc lại vẫn ngon và ngọt như mới hái xong.
Với chì, thủy ngân, thạch tín… có trong pin, nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Nếu hàm lượng chì quá cao sẽ gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh…Nhiễm độc các loại chất độc hại này sẽ gây vô sinh, sảy thai, tăng huyết áp, trẻ em suy giảm trí tuệ, rối loạn tư duy…