Đo lường tác động nhiều phía của dự thảo Luật An ninh mạng
Ngày 8/5, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Hiệp hội Điện toán Đám mây châu Á phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) tổ chức Hội thảo “Xây dựng dự thảo Luật An ninh mạng: Kinh nghiệm quốc tế và góp ý của các bên liên quan tại Việt Nam”.
Sự kiện được tổ chức nhằm đánh giá tác động, thu thập, tổng hợp thông tin, ý kiến của các doanh nghiệp (DN) ngành công nghệ, phần mềm, nội dung số trong và ngoài nước về các quy định có liên quan đến quyền, lợi ích kinh tế của DN để gửi đến Quốc hội và các bộ, ngành liên quan.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: Dự kiến Luật An ninh mạng sẽ được trình Quốc hội thảo luận và thông qua vào cuối tháng 05/2018. Theo đó, an ninh mạng phải đảm bảo hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, quy định của dự thảo Luật An ninh mạng cũng cần tạo hành lang pháp lý để không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít nhất tới doanh nghiệp cũng như sự phát triển của công nghệ thông tin-viễn thông Việt Nam. Do đó, tại Hội thảo, các chuyên gia và diễn giả quốc tế đã tích cực thảo luận, phân tích và đưa ra ý kiến đóng góp cho dự thảo.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng đặc biệt nhấn nhấn mạnh tới vai trò của điện toán đám mây trong sự phát triển kinh tế số của DN, vấn đề tự do dòng chảy dữ liệu toàn cầu và các hiệu quả kinh tế cũng như đưa ra các kinh nghiệm và giải pháp đảm bảo an toàn an ninh mạng của các nước trong và ngoài khu vực…
"Việc đảm bảo an ninh mạng không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, mà còn có vai trò của người dùng và DN. Ba trụ cột này ngang hàng nhau trong việc bảo vệ thông tin. Dự thảo Luật lần này chú trọng đến trụ cột thứ nhất trong khi chưa lường hết tất cả các tác động. Nếu không có quy định rõ về vấn đề này sẽ dẫn đến nguy cơ kiểm tra tràn lan, gây rủi ro cho người dân và DN", ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện IPS nêu quan điểm.
Cùng với đó, đại diện của IPS cũng lưu ý ban soạn thảo xem xét, sửa đổi một số vấn đề như nên xây dựng từng phần, giải quyết từng nhóm vấn đề; tiếp tục xem xét xây dựng đạo luật về bảo vệ dữ liệu; bãi bỏ các thủ tục, quy định có rủi ro gây ra giấy phép con cho DN…