Doanh nghiệp điêu đứng vì quyết định xây cảng

Theo Pháp luật Việt Nam

Quyết định thu hồi hơn 223.400m2 đất tại phường Bãi Cháy (Tp. Hạ Long) của tỉnh Quảng Ninh giao cho Công ty cổ phần cảng và vận tải Lilama chính thức “cắt đuôi” gần 14.000 m2 đất mà một doanh nghiệp khác đã bỏ tiền của đầu tư trước đó.

Doanh nghiệp điêu đứng vì quyết định xây cảng
Cảng tạm của Cty TNHH Hoài Nam bị thu hồi theo quyết định của tỉnh Quảng Ninh
Trong khi đó, cổ đông lớn của cảng này là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lilama (Lilama) cũng đã chính thức thoái vốn. Số phận dự án sẽ ra sao khi một tổng công ty nhà nước chính thức thoái lui?

Động thái bất ngờ

Theo đó, ngày 21/01/2010, UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định số 210 thu hồi 223.443m2 đất giao cho UBND Tp. Hạ Long bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án xây dựng cảng tổng hợp thuộc hệ thống cảng Cái Lân.

Với quyết định 210, Công ty TNHH Hoài Nam chính thức bị “cắt” 13.708m2 để phục vụ dự án xây dựng cảng. Ngay sau đó, UBND TP. Hạ Long cũng ra thông báo số 123 về kế hoạch giải phóng mặt bằng (GPMB), và mới đây nhất, ngày 16/10/2012, Tp. Hạ Long ra tiếp quyết định (số 268) thành lập tổ công tác triển khai thực hiện bồi thường GPMB phục vụ dự án cảng tổng hợp thuộc hệ thống cảng Cái Lân.

Giám đốc Công ty TNHH Hoài Nam Nguyễn Quốc Hoài, cho hay, quyết định 210, quyết định 268 cũng như thông báo 123 của tỉnh Quảng Ninh và Tp. Hạ Long đã “ảnh hưởng nghiêm trọng” tới dự án “Đầu tư xưởng chế biến dăm gỗ xuất khẩu” đã được tỉnh Quảng Ninh có quyết định cho doanh nghiệp này thuê đất trước đó. Theo đó, phần đất bị thu hồi từ trước đến nay được tỉnh Quảng Ninh cho thuê để xây dựng bến bốc dỡ nguyên liệu phục vụ dự án, toàn bộ nguồn nguyên liệu đầu vào nhà máy được lưu chuyển thông qua bến tạm này và là nơi tập kết, chứa gỗ cây phục vụ toàn bộ nhà máy của Công ty TNHH Hoài Nam. “Quyết định của tỉnh Quảng Ninh thu hồi đất của chúng tôi giao cho doanh nghiệp khác đã tạo ra sự áp đặt, bất bình đẳng, không xem xét tới lợi ích chính đáng của nhà đầu tư”, đơn của ông Hoài, viết.

Trước đó, theo quyết định (số 82, ngày 8/1/2009) phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cảng tổng hợp thuộc hệ thống cảng Cái Lân, thì dự án này được cấp cho Công ty cổ phần cảng và vận tải Lilama (chủ đầu tư). Một trong những vị trí ranh giới được xác định là dự án nằm giáp bến bốc gỗ tạm của Công ty TNHH Hoài Nam. Dù quyết định 82 yêu cầu Công ty cổ phần cảng và vận tải Lilama công bố quy hoạch được duyệt, lập và trình duyệt thiết kế cơ sở công trình, giấy phép xây dựng… nhưng việc này không được chủ đầu tư thực hiện, mặc cho các đơn vị có đất trong ranh giới bị thu hồi phản đối rất nhiều lần.

Theo biên bản cuộc họp giữa Ban giải phóng mặt bằng Tp. Hạ Long với Công ty TNHH Hoài Nam và Công ty cổ phần cảng và vận tải Lilama, đại diện của Công ty TNHH Hoài Nam khẳng định “không đồng ý với quyết định 210”, đồng thời, doanh nghiệp bị thu hồi đất cũng “không đồng thuận với trình tự thu hồi đất”.

Lilama thoái vốn

Cũng theo ông Hoài, hiện tại Lilama đã rút hết vốn khỏi Công ty cổ phần cảng và vận tải Lilama nên tổng công ty này không còn liên quan đến dự án, theo đó mục tiêu ban đầu theo như dự án đã phê duyệt sẽ không còn nữa. Đồng thời, doanh nghiệp bị mất đất cũng nghi ngại nói rằng có dấu hiệu của việc “thôn tính và cấp phép dự án bất hợp pháp”.

Trả lời Pháp luật Việt Nam hôm qua (19/3/2013), ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Lilama, cho biết, từ năm 2007, Lilama là cổ đông của Công ty cổ phần cảng và vận tải Lilama, giá trị vốn góp của tổng công vào doanh nghiệp nói trên là 15% “bằng giá trị thương hiệu”. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng về việc các doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn ngoài ngành, từ tháng 11/2012, Lilama đã chính thức thoái vốn và rút giá trị thương hiệu tại Công ty cổ phần cảng và vận tải Lilama. Cũng từ đó, Lilama chính thức đứng ngoài cuộc.

Ông Hoài đề nghị tỉnh Quảng Ninh “xem xét năng lực triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư”, đồng thời cũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh “chủ trì cuộc họp” có các bên liên quan để “chất vấn một số vấn đề…”.