Doanh nghiệp ma mua bán khống hóa đơn giá trị gia tăng

Theo Congan.com.vn

(Tài chính) Lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước, nhiều đối tượng đã thành lập, sang nhượng hàng chục công ty chỉ để mua bán khống hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), thu lợi bất chính.

Doanh nghiệp ma mua bán khống hóa đơn giá trị gia tăng
Một số đối tượng trước phiên tòa xét xử vụ án mua bán hóa đơn. Nguồn: internet

Đấu tranh với loại tội phạm này không hề dễ dàng bởi đây là các công ty ma, địa chỉ đăng ký kinh doanh và có khi cả người đại diện pháp luật đều ảo!

Liên tiếp phát hiện nhiều đường dây mua bán hóa đơn tiền tỷ

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã hoàn tất hồ sơ chuyển Viện Kiểm sát TP. Hồ Chí Minh đề nghị truy tố Võ Thành Đức (sinh năm 1976, thường trú phường 13, quận 8) tội danh “mua bán trái phép hóa đơn”. Cùng vụ án này còn có giám đốc của bốn doanh nghiệp (DN) tư nhân bị đề nghị truy tố về tội “trốn thuế”.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, dù không có nhu cầu kinh doanh, mua bán thật sự nhưng Đức vẫn tổ chức thành lập và sang nhượng tổng cộng năm công ty khác nhau, sau đó sử dụng pháp nhân các công ty này để lập, ký, xuất bán khống hóa đơn GTGT cho nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành, thu lợi bất chính hơn 9 tỷ đồng. Cụ thể, từ tháng 7/2009 đến tháng 9/2011, Đức đã xuất bán khống 774 hóa đơn GTGT với tổng giá trị hàng hóa ghi trên đó hơn 584 tỷ đồng. Để hợp thức hóa đầu vào, Đức mua 220 hóa đơn của 24 DN với tổng hàng hóa dịch vụ ghi khống gần 458 tỷ đồng. Các chứng từ thanh toán như hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thanh lý hợp đồng, phiếu thu, chi... đều được Đức lập khống. Ngoài ra, nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đức còn thuê nhiều cá nhân nộp và rút tiền từ tài khoản của công ty mở tại nhiều ngân hàng khác nhau để hợp thức hóa chứng từ...

Liên quan đến vụ án trên, trừ những công ty “ma” bỏ trốn khỏi địa phương, không để lại dấu tích, cơ quan điều tra đã xác định được bốn công ty mua hóa đơn của Đức: Công ty Kim Thư do Ngô Văn Thanh (sinh năm 1961, ngụ phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) làm giám đốc đã mua của Đức 57 hóa đơn. Để hợp thức hóa đầu vào cho số cát san lấp mua trôi nổi trên thị trường với giá trị hàng hóa ghi trên đó khoảng 102 tỷ đồng, trốn thuế 9,3 tỷ. Tương tự Phan Văn Bi (sinh năm 1968, ngụ phường Trường Thạnh, quận 9), giám đốc hai DN là Công ty Thanh Bi và DN tư nhân Thanh Bi cũng mua của Đức 19 hóa đơn GTGT với tổng giá trị hàng hóa ghi khống là 72,4 tỷ đồng nhằm trốn 6,6 tỷ tiền thuế. Cơ quan thuế còn xác định thêm Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Nhựt Huy do Nguyễn Út Dân làm giám đốc mua hóa đơn của Đức, trốn thuế 623 triệu đồng; với hành vi tương tự Công ty TNHH Ngọc Tuyết cũng trốn thuế gần 300 triệu đồng.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã bóc gỡ đường dây mua bán hóa đơn GTGT quy mô lớn của Nguyễn Văn Nhi (38 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Hưng Thịnh và hàng chục công ty khác). Liên quan đến vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển Viện Kiểm sát TP. Hồ Chí Minh đề nghị truy tố 11 đối tượng. Cụ thể, từ năm 2007 đến ngày bị bắt, Nhi đã có trong tay 10 công ty “ma”, mua 231 quyển hóa đơn GTGT, ghi khống nội dung, trị giá hơn 3.160 tỷ đồng, thu lợi bất chính trên 5,8 tỷ và giúp nhiều công ty khác trốn thuế hàng chục tỷ đồng. Theo báo cáo của cơ quan quản lý thuế, số DN bán hóa đơn đầu vào để hợp thức hóa cho các công ty “ma” của Nhi hoạt động hầu hết đều đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh.

Hậu kiểm kém và nhẹ tay trong xử lý

Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, việc trốn thuế của các DN thời gian qua không riêng ngành nghề, lĩnh vực nào. Những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang công an để điều tra, xử lý. Năm 2012, cơ quan thuế đã thanh tra các DN thường xuyên kê khai lỗ, DN có doanh thu lớn nhưng số thuế nộp chưa tương xứng... Với 1.511 hồ sơ đã thanh tra, số thuế truy thu và phạt là 2.611 tỷ đồng.

Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán khống hóa đơn phức tạp trong thời gian qua là do Luật DN quá thông thoáng, thủ tục thành lập DN đơn giản nhưng công tác hậu kiểm kém. Theo quy định của Luật DN, cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về DN để cung cấp cho các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định pháp luật; đồng thời, phải trực tiếp kiểm tra hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra DN theo những nội dung trong hồ sơ đăng ký kinh doanh. Thế nhưng, hiện nay cơ quan đăng ký kinh doanh mới chỉ xây dựng hệ thống thông tin về DN dựa trên những gì các DN báo cáo, đăng ký mà thiếu kiểm tra thực tế. Chính vì vậy, rất nhiều DN không kinh doanh hoặc đã bỏ vẫn mua được hóa đơn từ cơ quan thuế do cơ quan này bán trên cơ sở hồ sơ đăng ký kinh doanh đã được cấp.

Bên cạnh đó còn do sự nhẹ tay của pháp luật trong việc xử lý các đối tượng mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế. Tiền thuế Nhà nước thất thu do hành vi mua bán hóa đơn trái luật tính ra còn lớn hơn thiệt hại trong các vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, dù lấy của ngân sách nhà nước vài tỷ hay thậm chí hàng chục tỷ đồng, khi ra trước tòa, bị cáo trong các vụ án liên quan đến sai phạm về thuế cũng chỉ bị xử cao nhất vài năm tù. Chính sự bất hợp lý này đã khiến những kẻ mê kiếm tiền bất chính sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội.