Doanh nghiệp vẫn ''thờ ơ" với phòng vệ thương mại

Theo nhandan.com.vn

Doanh nghiệp (DN) vẫn e ngại sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại chủ yếu do tốn thời gian, nhân lực và chi phí để theo đuổi vụ kiện rất tốn kém.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong thương mại thế giới, phòng vệ thương mại được coi là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ hàng hóa, sản xuất trong nước, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nước ngoài, mà vẫn phù hợp các cam kết thương mại quốc tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các DN vẫn còn xa lạ với công cụ này.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả điều tra năm 2015 của VCCI cho thấy, trong số 1.000 DN, có 15,9% số DN không biết đến công cụ phòng vệ thương mại, 63,21% số DN có nghe nói nhưng không hiểu sâu; 19,81% số DN đã từng tìm hiểu sơ sơ và chỉ có 1,89% số DN đã tìm hiểu tương đối kỹ về phòng vệ thương mại.

Kết quả này phản ánh mức độ hiểu biết của DN Việt Nam về phòng vệ thương mại còn rất hạn chế, rất ít DN mặn mà coi trọng công cụ này để phòng vệ. Chưa kể, nhiều DN không đủ năng lực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại. Đây là điều đáng lo ngại trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay.

Việc DN e ngại sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại chủ yếu do tốn thời gian, nhân lực và chi phí để theo đuổi vụ kiện phòng vệ thương mại rất tốn kém.

Để hoàn thiện một bộ hồ sơ thì số liệu phải được thu thập trong nhiều năm, điều quan trọng là phải chứng minh được chuyện bán phá giá của DN nước ngoài, chứng minh được thiệt hại do việc này gây ra theo đúng thủ tục, mà đối với nhiều DN Việt Nam thì điều này rất khó khăn, thậm chí là ngoài khả năng.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, có những lĩnh vực cụ thể, Cục xem xét thấy đủ khả năng tiến hành áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng khi thảo luận với DN và hiệp hội ngành nghề đó, lại không nhận được được sự hưởng ứng.

VCCI cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên có phần lỗi do DN. Còn Bộ Công thương cho rằng, bên cạnh hạn chế về năng lực, tài chính, nhận thức và chưa quan tâm thỏa đáng tới phòng vệ thương mại, thì ý thức cộng đồng của các DN còn yếu cũng là rào cản lớn.

Nhiều DN Việt Nam có tâm lý ngại vướng vào kiện tụng thương mại, chưa tin tưởng vào hiệu quả của hàng rào phòng vệ thương mại, thậm chí cho rằng, sử dụng hàng rào này sẽ lộ rất nhiều thông tin, số liệu của đơn vị.

Một điều khó khăn lớn nữa đó là, nhận thức chung của toàn xã hội chưa theo kịp. Mỗi khi đưa ra vấn đề áp dụng thuế suất tự vệ tạm thời, có nhiều phản hồi (thậm chí là phản ứng) cho rằng, có “yếu tố bảo vệ” một nhóm DN làm ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng.

Bảo vệ được một bộ phận sản xuất trong nước, đồng thời lại gây thiệt hại cho một bộ phận thị trường hạ nguồn sử dụng hàng hóa nhập khẩu làm đầu vào sản xuất.

Thời gian tới, nhiều mặt hàng của Việt Nam rất có thể sẽ phải đối mặt những thách thức liên quan phòng vệ thương mại như: sắt, thép, phân bón, sợi, giấy, hay đường ăn…; nhiều mặt hàng có nguy cơ cao, như trứng gia cầm, giấy in, dầu thực vật, ống gang đúc, bột nhựa, tôn, đùi gà, tỏi…

Vì vậy, để việc thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam đạt hiệu quả, trước hết, cần sự quan tâm vào cuộc quyết liệt, tích cực và hiệu quả của các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng DN. Các văn bản pháp luật liên quan phòng vệ thương mại cần được rà soát, hoàn thiện để đồng bộ, phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật khác…

Các DN, hiệp hội ngành nghề cần chủ động cập nhật và tìm hiểu thông tin, nâng cao kiến thức về các nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, nhập khẩu ồ ạt, cũng như nguy cơ vụ kiện, áp dụng PTVM của phía nước ngoài.

Các cơ quan quản lý, hiệp hội cung cấp thông tin, tăng cường tư vấn, định hướng, tăng cường kết nối, hướng dẫn DN trong vấn đề này, góp phần bảo vệ DN, thị trường Việt Nam.