Đối đầu với kiện chống bán phá giá

Theo Baodautu.vn

(Taichinh) - Nhiều loại hàng hóa xuất khẩu của nước ta đã liên tiếp bị vướng kiện chống bán phá giá.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dồn dập các vụ kiện chống bán phá giá

12 ngành hàng gồm: thủy sản, chất dẻo, cao su, giấy, dệt may, da giày, thiết bị điện, máy móc phụ tùng, linh kiện điện tử, đồ nội thất, đo lường, các sản phẩm thép và kim loại, là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có tần suất vướng các vụ kiện chống bán phá giá ngày càng dày đặc. Chỉ tính riêng năm 2014, Việt Nam đã phải đối mặt với 13 vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước, trong đó, phần lớn là các vụ kiện chống bán phá giá.

Theo số liệu mới nhất được Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) công bố, 5 tháng đầu năm 2015, nhiều loại hàng hóa xuất khẩu của nước ta đã liên tiếp bị vướng 8 vụ kiện chống bán phá giá. Điển hình là đá granite, ống thép hàn không gỉ cán nguội, sợi polyester bị Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống bán phá giá. Gần đây nhất, ngày 5/6, Ấn Độ thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá mặt hàng gỗ tấm MDF xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, trong xu hướng tự do hóa thương mại trên thế giới, với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, những rào cản thuế quan không còn hữu hiệu thì việc các quốc gia sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ sản xuất trong nước ngày càng nhiều.

Thực tế cho thấy, các vụ kiện gần đây có hiệu ứng dây chuyền, tức là khi một mặt hàng bị kiện tại một quốc gia thì ngay lập tức các quốc gia khác cũng tiến hành kiện mặt hàng đó. “Nếu trước đây, sản phẩm bị kiện chống bán phá giá và trợ cấp của Việt Nam thường là những sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn như tôm, cá, da giày, sợi, sắt thép…, thì nay những mặt hàng có kim ngạch không đáng kể cũng bị kiện chống bán phá giá”, ông Tuấn cho biết.

Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó

Trên thực tế, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã không thể khôi phục ở những thị trường từng bị áp thuế chống bán phá giá, hoặc nếu có cũng phải mất một thời gian dài, điển hình là tôm, cá ba sa vào Mỹ, giày mũ da xuất khẩu vào châu Âu.

Năm 2005, Ủy ban châu Âu (EC) đã điều tra chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam và chính thức áp thuế trong 5 năm, từ cuối năm 2006 đến tháng 4/2011.

5 năm chịu thuế chống bán phá giá, xuất khẩu không chỉ riêng giày mũ da, mà nhiều sản phẩm khác của ngành vào EU đều bị ảnh hưởng nặng nề, sụt giảm kim ngạch xuất khẩu. Công ty TNHH giày Liên Phát (Bình Dương) có thời điểm đã bị sụt giảm năng lực sản xuất tới 40%.

Đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách xuất khẩu Việt Nam (Lefaso) thừa nhận, lần đầu tiên bị kiện một vụ lớn, ở một thị trường lớn như EU, ngành giày dép Việt Nam cũng như các doanh nghiệp liên quan đã không khỏi lúng túng. Việc theo đuổi một vụ kiện chống bán phá giá đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức để có thể xử lý một khối lượng công việc không nhỏ trong thu thập thông tin chứng minh.

Để giảm thiệt hại của các vụ kiện chống bán phá giá, Lefaso cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác trước mỗi vụ việc để giảm thiểu tối đa bất lợi do phía nguyên đơn cho rằng bên bị kiện không hợp tác.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu không nên lẩn tránh mà chấp nhận đối đầu với các vụ kiện chống bán phá giá. Trước hết là tuân thủ những yêu cầu của phía nguyên đơn về bảng trả lời câu hỏi đúng thời hạn. Thuê luật sư có kinh nghiệm để tư vấn pháp lý trong xử lý tranh chấp thương mại quốc tế. Bởi trong trường hợp không nhận được phản hồi hoặc bản trả lời trong thời gian đưa ra, cơ quan điều tra tại các quốc gia khởi kiện sẽ dựa trên các dữ kiện có sẵn để đưa ra kết quả sơ bộ và khi đó bất lợi sẽ thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam.