Đối tượng phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Thanh Sơn

Ngày 9/4/2018, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) tổ chức hội nghị phổ biến nội dung Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Toàn cảnh hội nghị phổ biến nội dung Nghị định số 23/2018/NĐ-CP về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Vũ Lê
Toàn cảnh hội nghị phổ biến nội dung Nghị định số 23/2018/NĐ-CP về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Vũ Lê

Cần phải sửa đổi, bổ sung quy định bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Trong thời gian qua, các vụ cháy diễn ra liên tiếp, gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho đối tượng bị thiệt hại mà còn cả cộng đồng dân cư. Trên thực tế, khi gặp rủi ro cháy, nổ, không phải cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cũng có điều kiện, năng lực tài chính để khắc phục thiệt hại, khôi phục hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 4.114 vụ cháy, nổ, làm 119 người chết và 270 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, chung cư Carina tại TP. Hồ Chí Minh cháy gây thiệt hại về người đã gióng lên hồi chuông báo động trong việc phòng chống cháy, nổ.

Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), qua thực tiễn triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Do đó, ngày 23/2/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết: “Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2018/NĐ-CP tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhằm mở rộng diện tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, có thêm nguồn lực góp nhần bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy được tốt hơn, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đẩy nhanh công tác kết quả giám định, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường nhanh chóng kịp thời, đầy đủ hơn, giúp cho tổ chức, cá nhân khôi phục đời sống, sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, môi trường đầu tư tốt hơn”.

Trách nhiệm tham gia bảo hiểm và bồi thường thiệt hại được giải quyết như nào?

Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại Nghị định.
Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.

Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định.

Trường hợp cháy nổ được xác định rủi ro có thể căn cứ Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thì Nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên phải mua bảo hiểm bắt buộc.

Như vậy, nếu thiệt hại xảy ra thì phía bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Bảo hiểm sẽ từ chối trách nhiệm bồi thường rủi ro trong các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP.

Theo quy định, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm:  a- Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; b- Các loại hàng hoá, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).

Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thoả thuận. Cụ thể, đối với các tài sản quy định tại điểm a thì số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản theo giá trị còn lại hoặc giá trị thay thế của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.