Đường lậu hoành hành trên biên giới Tây Nam

Theo baohaiquan.vn

Trong khi đường dây buôn lậu đường khủng của Vi Ngươn Thạnh (tức Tỷ đường) chuẩn bị hầu tòa thì trên địa bàn biên giới Tây Nam, hoạt động buôn lậu đường vẫn tiếp diễn với phương thức và thủ đoạn tinh vi. Không chỉ tồn tại ở An Giang, đường lậu còn đang vươn sang tận biên giới các tỉnh Tây Ninh, Long An.

 Chở đường lậu trên biên giới Long An. Nguồn: baohaiquan.vn
Chở đường lậu trên biên giới Long An. Nguồn: baohaiquan.vn

Đường lậu vào sát nách thị trường lớn

Trước khi Tỷ đường bị bắt, địa bàn Tây Ninh, Long An hầu như không có đường lậu hoạt động. Tuy nhiên sau đó, hoạt động buôn lậu đường đã vươn vòi sang địa bàn này kèm với thủ đoạn phức tạp không kém An Giang. Điều thuận lợi hơn là hai tỉnh này giáp với TP.HCM- thị trường tiêu dùng lớn nhất phía Nam.

Đặc biệt, khu vực này họ sử dụng cả xe tải nhẹ để vận chuyển đường lậu vào nội địa sau khi dùng xe mô tô vận chuyển nhỏ lẻ từ biên giới Campuchia vào tập kết khu vực biên giới và thay đổi nhãn hiệu của các nhà máy đường Việt Nam.

Mới đây, vào ngày 16-5, tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Tây Ninh đã tiến hành bắt quả tang đối tượng Trần Phước Vinh, sinh năm 1981, ngụ tại khu phố 1, phường 4, thành phố Tây Ninh đang trực tiếp điều khiển xe ô tô tải mang biển số 34C-005.40 vận chuyển 800 bao đường cát nhập lậu (loại 50kg/bao). Cùng đi trên xe có đối tượng Trần Văn Hóa, sinh năm 1984, ngụ tại ấp Long Châu, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh làm nhiệm vụ áp tải hàng.

Bước đầu các đối tượng khai nhận số đường cát nêu trên do nước ngoài sản xuất được vận chuyển nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam qua tuyến biên giới thuộc xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ được khoảng 80 tấn đường các loại, trong đó có nhiều vụ vận chuyển bằng xe tải với mỗi vụ hàng chục tấn.

Ông Huỳnh Văn Đức, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh, Cục trưởng Cục Hải quan Tây Ninh cho biết, trong thời gian qua Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh đã triển khai các lực lượng, tăng cường kiểm tra phát hiện, bắt giữ và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về mua bán, vận chuyển đường cát Thái Lan nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam qua địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hàng hóa, phương tiện vận tải qua lại biên giới, cửa khẩu nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ vận chuyển trái phép đường cát vào Việt Nam.

Tương tự như Tây Ninh, một thời gian dài, đường lậu gần như vắng bóng tại biên giới Long An mà khu vực này chủ yếu là thuốc lá lậu. Thế nhưng giờ đây biên giới Long An cũng nổi lên không kém các tỉnh khác về hoạt động đường lậu. Cuối tháng 5, phóng viên Báo Hải quan có dịp tiếp cận khu vực biên giới Long An.

Phía bên kia biên giới đường lậu vẫn chất đống tại các điểm tập kết hàng ngay sát khu vực cửa khẩu. Nếu như tại khu vực đối diện cửa khẩu Bình Hiệp, hoạt động vận chuyển đường lậu diễn ra nhỏ lẻ thì ở khu vực đối diện cửa khẩu Mỹ Quý Tây, đường chất đống ngay cửa ra vào. Không chỉ diễn ra các hoạt động vận chuyển nhỏ lẻ, đường lậu từ đây còn được chở bằng ô tô qua địa bàn huyện Đức Hòa về TP.HCM tiêu thụ.

Trở lại “thánh địa” của đường lậu

Tại địa bàn biên giới An Giang, theo thông tin nắm được từ các cơ quan chức năng, sau khi đường dây buôn lậu đường quy mô lớn của Tỷ đường bị chặt đứt cũng là lúc các đường dây nhỏ hơn bắt đầu “trỗi dậy” vì nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng cao và khan hiếm hàng. Đó là những đường dây của Mười T.; T.T và các chân rết của họ.

Các đường dây buôn lậu này hoạt động tinh vi hơn và nhiều chiêu trò hơn. Từ đầu năm đến nay, buôn lậu đường tại An Giang bắt đầu rầm rộ hơn và kéo theo đó là hàng loạt những chiêu trò gây khó khăn cho các cơ quan chức năng như Công an, Hải quan và Biên phòng. Để đấu tranh triệt phá một vụ buôn lậu đường là những "đòn cân não" từ khi trinh sát đến khi xử lý.

Nếu như trước đây, các đối tượng sử dụng bao bì trắng hoặc một vài bao bì đường trong nước thì hiện nay họ sử dụng rất nhiều bao bì của các nhà máy đường để vận chuyển. Tất nhiên việc xác minh sẽ kéo dài hơn rất nhiều và các đối tượng buôn lậu đường sẽ có nhiều thời gian để đối phó và hợp thức hoá chứng từ. Một ví dụ cụ thể là vụ 121 bao đường lậu (loại 50kg/bao) bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương – Cục Hải quan An Giang bắt giữ. Các bao này mang nhãn hiệu của 10 công ty đường trong nước, nên việc xác minh gặp rất nhiều khó khăn.

Để bắt được một vụ buôn lậu đường, một lực cản mạnh mẽ nhất hiện nay là các đối tượng theo dõi, canh đường các lực lượng chức năng nhưng vẫn chưa có chế tài xử lý. Trong rất nhiều cuộc họp, cơ quan chức năng đều phản ánh tình trạng cư dân biên giới tham gia tiếp tay cho buôn lậu hiện nay rất đông, có cả phụ nữ và trẻ em bị lôi kéo vào nhưng không có cách gì xử lý họ.

Mới đây, ngày 12-5, Phòng Cảnh sát Kinh tế kết hợp các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh An Giang, Công an TP. Châu Đốc và Công an huyện Tịnh Biên tổ chức mật phục bắt đường dây vận chuyển đường bằng vỏ lãi, thu giữ 803 bao đường cát (tương đương hơn 40 tấn), 909 thùng gạch men... với trị giá hàng hóa trên 700 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã tiến hành làm việc với 12 đối tượng liên quan để tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc.

Để cất vó mẻ lưới này, hàng trăm cán bộ chiến sỹ Công an đã phải ém quân thời gian dài, ngụy trang dưới nhiều hình thức để tiếp cận và bắt giữ. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã bắt giữ trên 350.000 kg đường các loại, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015, cho thấy buôn lậu đường tiếp tục vẫn nóng trên tuyến biên giới này.

Tưởng chừng sau khi một số đường dây buôn lậu đường bị bắt giữ, hoạt động buôn lậu đường giảm đi nhưng thực tế không hẳn như thế. Có những lúc đường lậu gần như hoành hành khắp biên giới Tây Nam khiến lực lượng chức năng đau đầu tìm cách ngăn chặn. Thế nhưng việc ngăn chặn chỉ là một trong nhiều biện pháp để đẩy lùi đường lậu. Trong khi đó, biện pháp căn cơ nhất để chấm dứt là đường nội địa phải chiến thắng ngay trên sân nhà thì vẫn chưa làm được!