Gia tăng tình trạng gian lận thuế: Kiểm tra là ra vi phạm

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Tổng cục Thuế cho biết, sau đợt rà soát 3.600 doanh nghiệp (DN) mới đây, Tổng cục đã đưa vào danh sách kiểm tra 300 DN để thanh tra chống chuyển giá.

 Gia tăng tình trạng gian lận thuế: Kiểm tra là ra vi phạm
Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về thuế, làm thất thu ngân sách. Nguồn: internet
Trong 300 DN này, đã phát hiện 225 đơn vị có hoạt động chuyển giá, có DN phải chấp nhận giảm lỗ gần 900 tỷ đồng. Ngăn ngừa hành vi của các loại tội phạm thuế mới phát sinh trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng với kinh tế toàn cầu là một trong những thách thức lớn.

Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, những vi phạm về pháp luật thuế những năm qua cũng gia tăng với nhiều phương thức. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trên thực tế, số lượng DN đăng ký kinh doanh hiện nay khoảng 480.000 nhưng số đơn vị thường xuyên có doanh số kê khai chỉ là 390.000. Song mỗi năm cơ quan thuế chỉ thanh tra, kiểm tra được 18-20% DN và đã phát hiện 92% trong số này có dấu hiệu vi phạm về thuế.

Ước tính năm 2012 đã truy thu, nộp ngân sách 12.600 tỷ đồng. Riêng 9 tháng năm 2013, số truy thu thuế lên tới 8.500 tỷ đồng. Tỷ lệ vi phạm như vậy là rất cao và câu hỏi đặt ra là, 80% số DN còn lại có vi phạm pháp luật thuế hay không? Nếu không sớm có biện pháp ngăn chặn, tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng, gây thất thu lớn cho Ngân sách Nhà nước.

Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tư vấn thuế Châu Á, Châu Đại Dương (AOTCA) diễn ra mới đây tại Hà Nội, một trong những chủ đề lớn được các chuyên gia tài chính trong và ngoài nước tập trung thảo luận là phòng chống trốn thuế và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống chuyển giá.

Đại diện Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam cho biết, những số liệu truy thu lớn sau thanh tra thuế phần nào cho thấy, đa số DN Việt Nam chưa thực sự để tâm đến việc tuân thủ pháp luật thuế. Họ thường tập trung vào phát triển sản xuất kinh doanh và coi việc chấp hành pháp luật thuế là hoạt động hành chính trong nội bộ DN.

Theo ông Thomas Lee, Chủ tịch AOTCA, ở nước ngoài, DN coi việc bỏ chi phí để thuê đại lý tư vấn hay đại lý thuế nhằm có được những bản báo cáo tài chính minh bạch, đúng pháp luật là trách nhiệm của DN. Ở Việt Nam, đa số DN lại cho rằng, trách nhiệm này thuộc về cơ quan thuế hay Chính phủ. Đây là một hạn chế khiến việc chấp hành và tuân thủ pháp luật thuế chưa tương đồng với các DN cùng khu vực.

Đồng quan điểm này, đại diện Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam cho rằng, nhiều DN hiện nay không quan tâm đến việc tuân thủ và tìm hiểu pháp luật thuế. Chỉ tới khi cơ quan thuế có quyết định thanh tra, kiểm tra, họ mới tìm cách khắc phục. Để thay đổi điều này, DN nên cố gắng tìm hiểu kỹ về pháp luật thuế, đồng thời chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cho nhân viên. Khi DN thực sự hiểu biết pháp luật, họ sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư bởi chính sự minh bạch tài chính của mình.

Song song với việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho DN, cơ quan thuế cho biết, sẽ siết chặt công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn ngừa tình trạng gian lận thuế gia tăng. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc kiến nghị siết chặt điều kiện thành lập DN, Bộ Tài chính sẽ tăng cường kiểm soát những vi phạm liên quan tới hóa đơn, chứng từ và tập trung một số lĩnh vực có nguy cơ trốn thuế cao nhằm hạn chế tình trạng thất thu ngân sách nhà nước.

Tại Cục Thuế TP. Hà Nội, trong 9 tháng năm 2013, đã hoàn thành 3.979 cuộc thanh, kiểm tra thuế, qua đó xử lý giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 143 tỷ đồng; giảm số lỗ DN đã kê khai 962 tỷ đồng; đưa tổng số thuế truy thu, truy hoàn và phạt đạt tới 1.268 tỷ đồng.