Gian lận thuế qua định giá chuyển nhượng của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam

ThS. HOÀNG THỊ HƯỜNG - Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

(Tài chính) Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các hành vi gian lận thuế của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng mức độ tinh vi và phức tạp nhất phải kể đến là hành vi gian lận thuế qua định giá chuyển nhượng, điển hình là chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Gian lận thuế qua định giá chuyển nhượng của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam
Các hành vi gian lận thuế của DN FDI được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Nguồn: internet

Việt Nam đã và đang chủ động mở cửa nền kinh tế, tham gia và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đóng góp tích cực vào việc thu hút nguồn vốn FDI, từ đó đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo công ăn việc làm, phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, cùng với các yếu tố tích cực trên vẫn luôn tồn tại các hiện tượng tiêu cực, phổ biến là việc các DN FDI thực hiện hành vi gian lận thuế.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các hành vi gian lận thuế của DN FDI được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng mức độ tinh vi và phức tạp nhất phải kể đến là hành vi gian lận thuế qua định giá chuyển nhượng. Hành vi gian lận qua giá chuyển nhượng điển hình là chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam qua việc góp vốn bằng dây chuyền máy móc, nguyên liệu đặc thù được định giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế. Việc nâng khống giá trị tài sản góp vốn sẽ đem đến một số lợi ích kinh tế cho nhà đầu tư nước ngoài như có thể chuyển một phần lợi ích kinh tế ngược trở lại qua việc trích khấu hao tài sản cố định, phân chia lợi nhuận trên tỷ lệ vốn góp, gây thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thiệt hại cho bên liên doanh Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nâng tỷ trọng vốn góp cao hơn thực tế còn giúp nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền kiểm soát, điều hành liên doanh và thực hiện chuyển giá gây thua lỗ triền miên khiến DN Việt Nam không còn đủ tiềm lực tài chính để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh và phải bán lại phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài.

Một hình thức gian lận khác là chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình. Hình thức này thường diễn ra trong trường hợp công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ sản xuất kinh doanh cho bên liên kết tại Việt Nam và thu tiền bản quyền. Việc định giá đối với loại tài sản vô hình mang tính đặc thù này thường rất khó, do đó DN liên kết tại nước ngoài thường tính thu phí bản quyền rất cao đối với bên liên kết tại Việt Nam, khiến cho chi phí đầu vào bị đẩy lên cao, kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ và Chính phủ Việt Nam bị mất quyền đánh thuế TNDN. Bên cạnh đó, còn có hình thức chuyển giá qua cung cấp dịch vụ trong nội bộ tập đoàn.

Cuối cùng là hành vi chuyển giá qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh. Theo đó, lợi nhuận từ DN FDI tại Việt Nam đã được chuyển sang cho bên liên kết tại nước ngoài có mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất thuế TNDN tại Việt Nam. Hành vi này thường xảy ra tại các DN sử dụng vốn lớn, như khai thác mỏ; sản xuất, lắp ráp các phương tiện vận tải…

Theo các chuyên gia về thuế, những DN FDI sử dụng hình thức gian lận thuế này thường có kết quả kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tiếp, thậm chí hàng chục năm nhưng các DN đó lại liên tục mở rộng quy mô đầu tư sản xuất. Các DN FDI đã tìm mọi cách để tác động đến phần thu nhập trước thuế, từ đó làm giảm số thuế phải nộp một cách tối đa trên phạm vi cả tập đoàn và các công ty thành viên, biểu hiện chủ yếu thông qua cách định giá quá cao hay quá thấp các tài sản khi phát sinh các nghiệp vụ chuyển giao hàng hóa, dịch vụ, tài sản hữu hình hay tài sản vô hình trong nội bộ tập đoàn và các công ty thành viên. Trong nhiều trường hợp hành vi gian lận thuế còn được thực hiện thông qua hoạt động vay vốn, góp vốn, xóa nợ giữa các DN trong nội bộ tập đoàn.

Việc các DN FDI gian lận thuế qua định giá chuyển nhượng đã gây ra những tác động tiêu cực lên nền kinh tế, làm giảm số thu về thuế, gây thất thu nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước (NSNN) và làm giảm phúc lợi xã hội, đồng thời nó còn tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng giữa các DN FDI và DN trong nước, ảnh hưởng đến lợi ích thương mại, hậu quả của hành vi gian lận này là rất lớn và nghiêm trọng.

Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta phải tìm cách hạn chế hành vi gian lận này bằng một loạt các giải pháp và việc làm cụ thể. Thông qua các cuộc thanh tra và xử lý hành vi gian lận thuế tại nhiều địa phương điển hình là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, tại đây chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, phát hiện ra nhiều bất cập về chính sách. Theo một số chuyên gia kinh tế, hiện nay, Việt Nam mới chỉ thanh tra, kiểm tra một số ít DN FDI mà đã tiến hành truy thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế, nếu thanh tra, kiểm tra toàn bộ số DN FDI thì số tiền gian lận thuế bằng biện pháp chuyển giá sẽ lên đến cả chục ngàn tỷ đồng. Số liệu thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, đến cuối năm 2013, ngành Thuế đã từng bước kiểm soát được hoạt động chuyển giá của các DN FDI, đã quản lý được 3.188 DN có giao dịch liên kết thực hiện kê khai thông tin. Trong năm 2013, ngành Thuế đã thực hiện thanh tra giá chuyển nhượng với 1.223 DN có dấu hiệu chuyển giá; truy thu, phạt, hoàn thuế 481 tỷ đồng, giảm lỗ 1.697 tỷ đồng và giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 41,8 tỷ đồng. Kết quả này cũng đã tác động không nhỏ đến việc chấp hành các quy định pháp luật về thuế của nhiều DN. Một số DN đã nhiều năm kê khai lỗ thì nay đã kê khai có lãi, mặc dù DN trong tình trạng khó khăn hơn nhiều so với những năm trước đây.

Để hạn chế tình trạng gian lận thuế qua gia chuyển nhượng, Bộ Tài chính đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức triển khai đồng bộ trong thời gian từ nay cho đến năm 2015. Theo các chuyên gia về thuế, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật thuế, các quy định cụ thể hơn về định giá chuyển nhượng. Việt Nam phải đưa nội dung quản lý giá chuyển nhượng vào văn bản pháp lý cao nhất trong hệ thống quản lý thuế, đồng thời cần bổ sung các quy định về quản lý giá chuyển nhượng, mở rộng phạm vi điều chỉnh giá chuyển nhượng với các giao dịch vay và cho vay, quy định lại nguyên tắc áp dụng giá chuyển nhượng. Ngoài ra, cơ quan thuế cần tiếp tục đề xuất chế tài xử phạt đủ mạnh, bảo đảm tính răn đe đối với những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các DN. Ngoài ra, việc tăng cường các hoạt động tuyên truyền cũng phải được chú trọng hơn.

Quản lý giá chuyển nhượng là lĩnh vực khó, đòi hỏi người thực hiện ngoài việc nắm vững nghiệp vụ chuyên môn, còn cần có kỹ năng và quyền lực để thực thi nhiệm vụ. Hiện nay, ngành Thuế vẫn chưa được trao quyền điều tra nên rất khó thực hiện quản lý hoạt động chuyển giá. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong công tác quản lý hoạt động chuyển giá của DN liên kết còn chưa chặt chẽ. Trong khi đó, vì mục tiêu bảo vệ quyền đánh thuế của mỗi quốc gia nên sự phối hợp trong cung cấp và trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế của ta và cơ quan thuế các nước khác còn hạn chế, nên việc xác định giá thị trường gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, để chống thất thu cho NSNN và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN trong và ngoài nước, cần sự phối hợp tham gia hiệu quả hơn của nhiều ngành, lĩnh vực quản lý để kịp thời phát hiện các hành vi gian lận trong quá trình định giá và chuyển nhượng vốn không kê khai thuế, kê khai không đúng sự thật, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm ta có các giải pháp kịp thời đủ sức răn đe.