Gian lận thương mại diễn biến phức tạp

Theo Sài Gòn Giải phóng

Dù thời gian qua, lực lượng chức năng TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, làm và bán hàng giả… nhưng tình trạng gian lận thương mại trên địa bàn thành phố vẫn phức tạp. Hàng nhập lậu vẫn được tuồn vào thành phố bằng nhiều con đường khác nhau.

Gian lận thương mại diễn biến phức tạp
Tiêu hủy hàng nhập lậu

Hàng nhập lậu được nhập khẩu chính ngạch

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh, hàng hóa vi phạm quy định về nhãn còn diễn ra khá phổ biến như: nhãn ghi không rõ ràng, không có xuất xứ, địa chỉ sản xuất, ghi xuất xứ mập mờ, hàng nhập khẩu không có nhãn phụ…

Phần lớn hàng giả, hàng nhái là hàng tiêu dùng nhập lậu xuất xứ Trung Quốc như: quần áo, đồng hồ, kính mắt, túi xách, gas, mực in vi tính, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện, điện tử, phụ tùng xe máy, dụng cụ cầm tay… Một số khác được sản xuất tại Việt Nam như quần áo, mỹ phẩm giả nhái các nhãn hiệu nổi tiếng hoặc xuất xứ nước ngoài.

Bên cạnh đó, tình trạng vận chuyển hàng lậu thời gian qua cũng hết sức tinh vi, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát. Hiện có nhiều nguồn hàng nhập lậu vào Thành phố như hàng vận chuyển bằng đường bộ từ các nước xung quanh vào các tỉnh biên giới của Việt Nam; hàng nhập khẩu chính ngạch do khai gian chủng loại, số lượng, xuất xứ; hàng nhập lậu bằng đường hàng không từ miền Bắc vào hoặc hàng lậu được chuyển phát nhanh qua bưu điện; hàng xách tay từ nước ngoài về theo đường hàng không và tàu viễn dương.

Trong năm 2012, QLTT Thành phố đã kiểm tra một số vụ hàng hóa vi phạm có giá trị lớn từ một vài tỷ đồng trở lên như: vụ bán hàng trên truyền hình, vụ vận chuyển điện thoại di động bằng máy bay từ miền Bắc vào, vụ sản xuất áo thun giả hiệu Lacoste… Ông Nguyễn Văn Mon, Đội trưởng Đội QLTT Củ Chi cho biết: Do địa bàn quản lý của đội nằm ở khu vực giáp ranh với tỉnh Long An và Tây Ninh nên tình trạng buôn lậu khá phức tạp. Qua quá trình theo dõi, đội đã phát hiện một số đối tượng buôn lậu cho hàng hóa vào những bình xốp đựng nước giả dạng là những người bán hàng rong trên xe khách nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Đây là những hình thức vận chuyển hàng lậu hết sức tinh vi.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Trong năm 2013, ngành QLTT sẽ tăng cường kiểm tra chuyên ngành đối với 6 nhóm hàng thực phẩm do Bộ Công thương quản lý gồm các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành và phối hợp kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh gia cầm, gia súc. Chú ý thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, gia cầm nhập lậu, thực phẩm có phụ gia cấm dùng, độc hại hoặc vượt ngưỡng quy định cho phép, thực phẩm quy định phải có nhãn mà không có nhãn, có nhãn ghi thông tin không rõ ràng, sản phẩm gia cầm, gia súc vận chuyển từ các tỉnh vào TP bị ôi thiu, thịt đông lạnh nhập khẩu quá hạn sử dụng.

Để góp phần ổn định thị trường, ngăn chặn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng đề nghị lực lượng QLTT cần nắm chắc pháp lý, nắm vững địa bàn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đấu tranh với các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, tập trung việc kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm theo diễn biến cung cầu hàng hóa trên thị trường. Phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm tra một cách thường xuyên, liên tục, tránh trùng lắp…