Hải quan và Cảnh sát biển phối hợp đấu tranh chống buôn lậu

Theo Phan Thúy/bcd389.gov.vn

Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 được giao quản lý vùng biển trải dài 06 tỉnh ven biển miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Định) đã phối hợp có hiệu quả với các đơn vị Hải quan trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn lậu trên biển. Nguồn: Internet
Lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn lậu trên biển. Nguồn: Internet

Trên địa bàn 06 tỉnh có các cảng biển lớn như: Cửa Việt/Quảng trị; Thuận An, Chân mây/Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng; Kỳ Hà/Quảng Nam; Dung Quất/ Quảng Ngãi; Quy Nhơn/Bình Định. Có các khu, cụm công nghiệp lớn ven biển như: Khu công nghiệp Quán Ngang, Hải Lăng/Quảng trị; Thuận An, Chân mây/Thừa Thiên Huế; Liên Chiểu, Hòa Khánh/Đà Nẵng; Điện Nam - Điện Ngọc, Chu Lai/Quảng Nam; Dung Quất/Quảng Ngãi; Nhơn Hội/Ninh Bình … với hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

Hằng năm, có hàng ngàn tàu vận tải trong và ngoài nước qua lại, ra, vào, nhận trả hàng hóa. Địa bàn 6 tỉnh miền Trung không những là một trong những trung tâm của khu vực miền Trung trong thương mại mà còn là cửa ngõ thông thương với khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và là một trong những vùng trọng điểm của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Trong năm qua, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn ven biển của 06 tỉnh cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Nổi lên một số hoạt động như hàng hóa qua các cảng biển chủ yếu vẫn là khoáng sản, dăn gỗ, sản phẩm từ gỗ, clinke, cát trắng, nhu yếu phẩm cung ứng tàu biển xuất khẩu; Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, chất xúc tác, dầu thô, nhựa đường …

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trong năm tăng cả về tính chất, mức độ và giá trị hàng hóa; Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng chủ yếu vẫn là hợp thức hóa đơn, chứng từ để vận chuyển hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp đi tiêu thụ; Bán hàng hóa đi nội địa nhưng vận chuyển trái phép ra nước ngoài; Vận chuyển hàng hóa không bảo đảm các thủ tục, giấy tờ theo quy định…

Thêm vào đó, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn ven biển có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Các khu vực cảng biển, du lịch, nghỉ dưỡng ven biển xuất hiện những điểm mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng đơn vị, trong năm qua, công tác phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 với Cục Hải quan 6 tỉnh miền Trung và Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực Miền Trung đã đạt được một số kết quả. Cụ thể, hai bên thường xuyên trao đổi các thông tin, tài liệu có liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước trên các vùng biển mà các bên quản lý như hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu cảng biển, các mặt hàng trọng điểm, chính sách thuế, thủ tục Hải quan, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới. Những thông tin trao đổi, cung cấp liên quan đến việc phối hợp đã được quản lý, khai thác, sử dụng đúng mục đích tuân thủ nguyên tắc, chế độ về cung cấp thông tin mà mỗi lực lượng đã quy định.

Hai bên đã duy trì thường xuyên công tác trao đổi, cung cấp cho nhau bằng văn bản, điện thoại hoặc trực tiếp về tình hình liên quan đến an ninh trật tự, hàng hóa xuất nhập khẩu, thuyền viên xuất nhập cảnh qua khu vực cảng biển.

Thời gian qua, việc thực hiện nội dung ký kết giữa Hai bên bước đầu đã phát huy hiệu quả. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã chủ động trao đổi, tiếp nhận thông tin từ lực lượng Hải quan các tỉnh, thành phố về tình hình tội phạm vi phạm trên địa bàn quản lý.

Năm 2017, các cơ quan chức năng của hai bên đã tích cực, chủ động hơn trong công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Hiệu quả công tác phối hợp đấu tranh với các hoạt động vi phạm đã có chuyển biến rõ rệt, cụ thể, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Kỳ Hà, Cảng vụ Hàng Hải Quảng Nam, Biên phòng tỉnh Quảng Nam, Phòng 7/C74/Tổng cục Cảnh sát điều tra, xác minh làm rõ nguồn gốc 1.115/4.961 tấn quặng Ilmenite trên tàu DONG SHUN (quốc tịch Panama) làm thủ tục xuất khẩu đi Trung Quốc, không phải hàng tồn kho của Công ty Cổ phần Đất Quảng - Chu Lai, bàn giao hồ sơ cho Chi cục Hải quan CKC Kỳ Hà xử lý vi phạm hành chính, số tiền xử phạt thu nộp ngân sách Nhà nước là 7,5 triệu đồng.

- Phối hợp với Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực Miền Trung, Cục Hải quan tỉnh Bình Định điều tra, xử lý đối với Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu/TP Tuy Hòa, Phú Yên về hành vi khai thác khoáng sản trái phép (cát nhiễm mặn); Xử lý 03 Sà lan cập mạn tàu nước ngoài trái phép để sang mạn cát; Xử phạt VPHC 5,8 triệu đồng bàn giao hồ sơ cho UBND TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú yên để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.

- Phối hợp với Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị và Cục Điều tra chống buôn lậu/Tổng cục Hải quan tham vấn về vấn đề thương mại quốc tế; qua đó góp phần điều tra, xác minh làm rõ vụ 02 tàu Charlotte và Pacific Ocean quốc tịch Singapore vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, xử lý vi phạm hành chính 332,5 triệu đồng và tịch thu gần 9 triệu lít dầu Diezen, bán phát mại thu nộp ngân sách nhà nước gần 90 tỉ đồng.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 và Hải quan khu vực Miền Trung đã thường xuyên đổi mới nội dung, biện pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng như: Cấp phát tờ rơi cho các tàu thuyền hoạt động trên biển về chức năng, nhiệm vụ của mỗi lực lượng; các quy định của pháp luật về hoạt động trên biển, về chống buôn lậu, gian lận thương mại …; Các thủ tục hành chính, quy định của pháp luật về lĩnh vực Hải quan được niêm yết công khai tại trụ sở và tuyên truyền, phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng … Qua đó, đã tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật góp phần nâng cao nhận thức đến các Công ty, Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

 Hai bên đã chủ động phối hợp thông tin, thông báo, trao đổi những vẫn đề mới về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, an ninh trật tự … qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên của mỗi bên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, công tác phối hợp vẫn còn một số hạn chế như: Việc trao đổi thông tin, tình hình, nhất là về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại; phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng trên địa bàn có lúc, có nơi chưa kịp thời. Trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, công tác phối hợp chưa được thường xuyên, nề nếp; Hai bên chưa tổ chức được hoạt động tuần tra, kiểm soát chung trên địa bàn quản lý. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại tuy đã có hiệu quả nhưng chưa thường xuyên, chưa vững chắc.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được phối hợp chặt chẽ, chỉ dừng lại ở mức độ mỗi đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền theo kế hoạch của đơn vị mình. Việc phối hợp tổ chức tập huấn, huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công chức và cán bộ của hai lực lượng còn hạn chế.

Để công tác phối hợp thời gian tới ngày càng hiệu quả và thực chất hơn, thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung sau: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan đơn vị thuộc quyền, duy trì nghiêm nội dung Quy chế phối hợp đã ký kết. Trọng tâm là công tác nắm, trao đổi thông tin, tình hình; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới…

Phối hợp tổ chức tuyên truyền rộng rãi về Luật Biển, Luật Hàng hải, Luật Hải quan, Pháp lệnh Cảnh sát biển; các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự cho các Công ty, Doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các công ty, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vận tải biển; Ngư dân trên địa bàn ven biển … Phối hợp tổ chức huấn luyện, tập huấn, trao đổi thông tin về nghiệp vụ góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của hai đơn vị.

Coi trọng công tác phối hợp bảo vệ an ninh nội bộ, kịp thời phát hiện trao đổi các thông tin về tình hình nội bộ để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi móc nối, lôi kéo tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật vào nội bộ của mỗi bên.