Hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc “trâu cày tiền ảo“?

PV. (Tổng hợp)

Sức hấp dẫn đến từ đồng tiền ảo đang khiến cho nhiều người sẵn sàng đầu tư vài trăm triệu đến tiền tỷ để đầu tư thiết bị "đào", còn gọi là "trâu cày tiền ảo". Tuy nhiên, tới đây, có thể các cơ quan quản lý sẽ hạn chế nhập khẩu, quản lý chặt thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.

Một dàn máy đào tiền điện tử sử dụng card đồ hoạ.
Một dàn máy đào tiền điện tử sử dụng card đồ hoạ.
Đối với dân "đào" Bitcoin, điều quan trọng là phải đầu tư được bộ máy tính với công suất lớn, card màn hình cao cấp, đường truyền Internet tốc độ cao và nguồn điện ổn định (gồm điện lưới và máy phát điện dự phòng). Các "thợ đào" Bitcoin cho biết sử dụng "trâu cày" tiền mã hóa vẫn là giải pháp an toàn nhất đối với giới đầu tư tiền ảo vì khả năng rủi ro thấp nhất so với lướt sóng đầu cơ trên sàn giao dịch. Do vậy, dù chi phí để đầu tư một dàn "trâu cày" là không hề nhỏ, có thể từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, nhưng không ít người vẫn quyết tâm đầu tư để sở hữu được dàn "trâu cày".
Mới đây, trả lời báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Tuyền (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tính từ ngày 1/1-23/1/2018, đã có 7.932 bộ máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo trên mạng (máy đào Bitcoin) nhập khẩu về TP. Hồ Chí Minh. Được biết, trị giá của gần 8.000 máy đào tiền ảo Bitcoin gần 12,3 triệu USD (tương đương gần 279 tỷ đồng), số thuế thu nộp ngân sách gần 28 tỷ đồng.

Trước đó, theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ tháng 11/2017 đến ngày 21/12/2017) đã có hơn 7.000 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo trên mạng được nhập khẩu về TP. Hồ Chí Minh qua đường chuyển phát nhanh. Trong đó, 7 doanh nghiệp nhập hơn 2.500 bộ; các cá nhân, tổ chức không có mã số thuế nhập khẩu đã đưa về gần 3.000 bộ. Điều này cho thấy, xu hướng các tổ chức cá nhân tìm cách nhập máy đào tiền ảo đang có xu hướng tăng nhanh.

Trước xu hướng tăng giá của các loại tiền ảo, nhiều tổ chức, cá nhân muốn nhập máy đào bitcoin, cũng đã từng khiến nhiều Bộ, ngành đều lúng túng. Cách đây không lâu, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông phản ánh vướng mắc của hải quan địa phương và doanh nghiệp liên quan đến việc nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin.

Theo trình bày của các doanh nghiệp nhập khẩu, máy “đào” Bitcoin là máy xử lý dữ liệu tự động, do Công ty Công nghệ Bitmain của Trung Quốc sản xuất. Trong đó, Antminer L3+ được lắp đặt từ chip đồ họa để phục vụ chính cho việc giải mã hệ thống chuỗi SHA256 (thị trường gọi đặc trưng là Bitcoin).

Căn cứ Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP thì mặt hàng nêu trên chưa được định danh cụ thể. Như vậy, cho đến nay, hoạt động nhập khẩu máy đào tiền ảo vẫn diễn ra bình thường vì không có quy định nào cấp nhập khẩu hàng hóa này.

Tuy nhiên, giờ đây, vấn đề đang trở nên rõ ràng hơn thông qua Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/04/2018 của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo. Như vậy, khả năng cao trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ có biện pháp hạn chế đối với hoạt động nhập khẩu, quản lý chặt thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.
Theo khuyến cáo của một nhà đầu tư tiền ảo, cần cẩn trọng việc mua trâu cày để đào tiền ảo. Bởi việc việc giá tiền ảo biến động như hiện nay rất cần cân nhắc các chi phí khi duy trì máy (tiền điện tăng giá, thay thiết bị hỏng, bảo trì, bảo dưỡng, mất cắp...). Với những người không còn thích "đào" thì sau đó việc bán dàn "trâu cày" cũng rất khó và thường với giá rất thấp, chưa chắc có thể bù lỗ.