Hàng giả làm tổn hại doanh nghiệp

Theo ktdt.com.vn

(Tài chính) Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả đã gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp và Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đó là đánh giá trong công tác quản lý thị trường (QLTT) 12 tỉnh Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ do Bộ Công Thương tổng hợp.

Hàng giả làm tổn hại doanh nghiệp
Đội QLTT số 2 kiểm tra hàng mỹ phẩm tại chợ Đồng Xuân. Nguồn: internet
Nhiều bất cập

Ông Nguyễn Ngọc Giao - Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty Giấy Sài Gòn thông báo, hiện có đến 30% sản phẩm giấy mang thương hiệu giấy Sài Gòn bán trên thị trường là hàng giả. Còn theo bà Đặng Quỳnh Đoan - Giám đốc Công ty thời trang Việt Thy: Mỗi lần tung ra một bộ sưu tập thì ngay lập tức hàng giả, hàng nhái "cóp" đến 20 - 30% tổng số mẫu. Việc sản xuất buôn bán hàng giả chưa thể dẹp được không chỉ do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe mà còn bởi việc kiểm tra, xử lý vi phạm vẫn còn tình trạng chồng chéo về chức năng kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Thực tế hoạt động chống hàng giả cho thấy, hiện đang có quá nhiều cơ quan tham gia xử lý gồm: QLTT, thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ, công an kinh tế, hải quan… dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn lỏng lẻo mang tính hình thức nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực, tình trạng cục bộ địa phương diễn ra khá phổ biến. Một thực tế khác trong hoạt động chống hàng giả cho thấy, nhiều doanh nghiệp e ngại việc công bố sản phẩm của mình bị làm giả. Việc này khiến người tiêu dùng e ngại trong việc lựa chọn sản phẩm vì không biết đâu là thật, đâu là giả. Ngoài ra, muốn xử lý đơn vị sản xuất hàng giả, doanh nghiệp đi khiếu nại phải chứng minh cụ thể thiệt hại, trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng có thể chứng minh được cụ thể. Đây là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp chưa chủ động công khai thông tin với các cơ quan chức năng.
 
Đẩy mạnh xử lý hàng lậu

Muốn chống được hàng giả, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và tiêu thụ sản phẩm thì việc thúc đẩy liên kết giữa các cơ quan thực thi pháp luật, tập trung những chương trình trọng điểm, từ đó mới tạo được hiệu ứng tích cực trên thị trường.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng chồng chéo trong việc xử lý hàng lậu, hàng giả thì việc xử lý phải giao cho một cơ quan làm đầu mối chịu trách nhiệm. Để công tác phòng ngừa và đấu tranh chống hàng giả có hiệu quả đặc biệt là những tháng cuối năm, ông Trương Quang Hoài Nam - Cục trưởng Cục QLTT cho biết: Thời gian tới, Cục sẽ kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ việc hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan chế tài xử lý các sai phạm; Yêu cầu lực lượng QLTT đẩy mạnh công tác phối hợp liên địa bàn, đặc biệt là việc xây dựng các phương án chống hàng giả đối với từng mặt hàng cụ thể theo tuyến, địa bàn trọng điểm, qua đó tăng hiệu quả trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.

Nhằm tăng cường hoạt động kiểm tra thị trường, cuối tháng 7/2013, Bộ Công Thương đã có Quyết định thành lập Tổ kiểm tra thị trường cơ động trực thuộc Cục QLTT, nhằm góp phần ngăn chặn hàng giả, hàng lậu cũng như hạn chế tình trạng "địa phương" cục bộ. Tuy nhiên, để việc chống hàng giả thực sự hữu hiệu đòi hỏi các lực lượng chức nặng chủ động phối hợp với doanh nghiệp, hiệp hội, doanh nghiệp… trong việc trao đổi thông tin kiểm soát chất lượng hàng hóa. Cùng với việc đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường các giải pháp nhận biết, chống hàng giả, hàng nhái, nhất là đối với những sản phẩm thiết yếu, phù hợp với sức mua của người dân… là điều mà các doanh nghiệp sản xuất cũng cần quan tâm.

Ông Trịnh Văn Ngọc - Phó Cục trưởng Cục QLTT thừa nhận: Mặc dù từ đầu năm đến nay chỉ riêng lực lượng QLTT 12 tỉnh Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ đã phát hiện gần 3.000 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả song tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng không giảm mà có chiều hướng gia tăng, đặc biệt hàng giả mang yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều. Không chỉ có vậy, lợi dụng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã hình thành xu hướng giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường nội địa.