Hàng hóa lòng vòng – ngân sách hụt, vơi

PV.

(Tài chính) Công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, đặc biệt, trên Hành lang kinh tế Đông-Tây đang được chú trọng hơn lúc nào hết.

Mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở hàng hóa xuất khẩu 
từ nội địa vào KKTTMĐB Lao Bảo. Nguồn: daidoanket.vn
Mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở hàng hóa xuất khẩu từ nội địa vào KKTTMĐB Lao Bảo. Nguồn: daidoanket.vn
Nhiều năm qua, trên Quốc lộ 9 chạy dọc Hành lang kinh tế Đông-Tây, suốt từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo xuyên về thành phố Đông Hà - Quảng Trị được ví là cung đường nóng về buôn lậu. Gần đây, tình hình buôn lậu, chở hàng kìn kìn… tưởng như đã trầm lắng. Tuy nhiên, đằng sau vẻ yên ả đó là một sự buôn lậu tinh vi hơn gấp hàng chục lần, đặc biệt là tình trạng gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã đến mức báo động.

Quốc lộ 9 là huyết mạch thông thương nối Việt Nam với các nước bạn Lào, Thái lan và Myanmar nên từ lâu đã trở thành “địa bàn” hấp dẫn cho giới buôn lậu trong và ngoài nước hoạt động. Nếu như trước đây, các đối tượng tập kết hàng hóa nhập lậu về khu vực này để phân phối bán hưởng chênh lệch giá lớn, thì nay, hình thức hưởng lợi đã trở nên nguy hiểm hơn, làm thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN) vô cùng lớn.

Hình thức tinh vi:

Chia nhỏ vận chuyển hàng hóa, quay vòng hàng hóa là các biện pháp mà các đối tượng sử dụng để qua mắt các cơ quan chức năng nhằm gian lận hoàn thuế GTGT.

Lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước quy định hàng hóa nhập vào Khu Kinh tế Thương mại Đặc biệt Lao Bảo (Khu KTTMĐB Lao Bảo) được miễn thuế, các đối tượng đánh hàng nội địa đưa lên khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo để được hoàn thuế GTGT 10%. Đây là một cách gian lận tinh vi, lợi dụng kẽ hở trong chính sách ưu đãi thuế để hưởng khống tiền hoàn thuế GTGT.

Ông Hoàng Đình Minh Phong, thủ khu đội kiểm soát Hải quan Khu KTTMĐB Lao Bảo cho biết: Các mặt hàng gian lận thương mại và hoàn thuế GTGT chủ yếu là hàng Việt Nam sản xuất như sữa, đường, nước ngọt các loại, nước rửa bát và các loại hàng hóa tiêu dùng gia đình khác. Theo thống kê, hàng quay vòng chiếm khoảng 10% tổng số hàng nhập vào khu vực  này. Chẳng hạn, với lô hàng trị giá khoảng 1 tỷ thì đối tượng thu được 100 triệu tiền hoàn thuế GTGT, sau khi hoàn thuế xong, họ lại tìm cách đưa hàng này về xuôi bán hoặc lại quay vòng lại lần nữa. Có nhiều lô hàng quay vòng nhiều lần, do đó số tiền hoàn thuế đối tượng chiếm đoạt của Nhà nước không biết bao nhiêu mà kể.

Trả lời câu hỏi các đối tượng đã dùng biện pháp gì để qua mặt lực lượng chức năng đang hoạt động ráo riết? Ông Lê Minh Thành, đội trưởng đội kiểm soát Hải quan Quảng Trị cho biết: Chống buôn lậu ở khu vục này có đặc thù khác hẳn các địa phương khác. Các địa phương khác tập trung chống gian lận thương mại, trốn lậu thuế ngay trong hàng hóa nhập vào. Còn tại đây, hàng hóa đưa vào hoàn toàn được miễn thuế, sau khi làm xong thủ tục miễn thuế, hàng hóa đó được xé nhỏ, gùi qua đường lối mở hai bên cánh gà Cổng B cửa khẩu Khu KTTMĐB Lao Bảo, xuyên rừng, cắt núi độ 30 km rồi mới dùng phương tiện vận chuyển về nội địa, vào kho hàng để hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn. Các chuyến hàng này hầu hết đều nhỏ lẻ, đối tượng chia nhỏ để khi bị bắt không mất nhiều, mức độ phạt cũng thấp. Nhưng khi thống kê thì trị số tiền hàng không hề nhỏ. Chỉ 3 tháng đầu năm 2014, tại đội kiểm soát  Hải quan Quảng Trị đã phát hiện và bắt giữ 79 vụ buôn lậu, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 10,8 tỉ đồng (hàng hóa gồm bia, hàng điện tử, đường kính trắng có xuất xứ nước ngoài và một lượng  không nhỏ xuất xứ Việt Nam).

Có thể nói là đối tượng đã thu hút được một lực lượng lớn lao động thiếu việc làm để vận chuyển hàng cho họ theo cách thức phân phối thu nhập như sau: Nhập hàng về, các đối tượng chia nhỏ khối lượng và giá trị hàng rồi thuê người vận chuyển (gùi hàng) từ Khu KTTMĐB Lao Bảo, qua trạm kiểm soát Hải quan Cổng B đến km 44+100, với giá trị hàng hóa từ 7 tới 10 triệu đồng một lượt và đi một quãng đường khoảng 30km,  đường vòng tránh đường quốc lộ, người vận chuyển được trả quãng 400.000-500.000 đồng. Người vận chuyển hàng ngày có thể đi từ 7-10 chuyến hàng như vậy, có thu nhập khá cao nên họ bất chấp công việc là phi pháp, vẫn lao vào làm.

Năm 2013, tại chi cục Hải quan Khu KTTMĐB Lao Bảo, chỉ riêng tiền hoàn thuế GTGT ước tính đã đến 300 tỷ đồng. Mỗi ngày hàng hóa nhập vào Khu KTTMĐB Lao Bảo  ước tính từ 7 – 9 tỷ đồng, mỗi tháng hàng nhập vào Khu KTTMĐB Lao Bảo  quãng 300 tỷ đồng, tương đương mỗi tháng tiền hoàn thuế vào quãng 30 tỷ đồng. Riêng 2 tháng đầu năm 2014, hàng Việt Nam nhập vào Khu KTTMĐB Lao Bảo  lên tới gần 489 tỷ đồng, bình quân lượng hàng nhập vào là 8 tỷ đồng/ngày. Số thuế GTGT được hoàn từ đầu năm 2014 đến nay là xấp xỉ 48 tỷ đồng. Số hàng nhập vào so với sức tiêu thụ tại đây là con số không hề nhỏ.

Cơ quan chức năng ráo riết kiểm tra, kiểm soát

Trước tình trạng này, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo cụ thể, đặc biệt trên mặt trận chống gian lận, hoàn thuế GTGT trên hành lang kinh tế Đông Tây,  rà soát, xác định lại xem loại hàng hóa nào được miễn thuế và hàng hóa nào không nên miễn thuế, để giảm thiểu đầu hàng hóa các đối tượng nhập về Khu KTTMĐB Lao Bảo, vừa giúp phát triển các hàng hóa trong nước.
Các cơ quan chức năng tại địa phương, khu vực đã và đang tích cực triển khai các biện pháp ráo riết để khắc phục tình trạng này: Các đơn vị trong ngành Thuế, Hải quan đã tổ chức ra quân, xác lập chuyên án, tập trung đánh mạnh, đánh trúng các tổ chức, ổ nhóm đường dây buôn bán, vận chuyển hàng lậu trên tuyến Lao Bảo- Đông Hà.

Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị Hải quan, Bộ đội Biên phòng, các lực lượng chống buôn lậu, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị… đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ các phương tiện vận tải từ Khu KTTMĐB Lao Bảo vào nội địa, đặc biệt, tại một số địa bàn trọng điểm và tuyến giao thông huyết mạch, nơi tập kết, phát luồng hàng nhập lậu.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng song công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, tình trạng gian lận hoàn thuế vẫn xảy ra, làm tổn hại lớn đến ngân sách nhà nước. Để công tác đấu tranh chống buôn lậu đạt kết quả cao trong thời gian tới, Ban chỉ đạo 127 tỉnh Quảng Trị đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, lực lượng phải quản lý chặt chẽ các hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các đường mòn qua lại biên giới... Thành lập các tổ, đội đặc nhiệm để tham gia xử lý khi có các điểm nóng, nhằm tạo dựng một Hành lang kinh tế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nhưng không để kẻ gian lợi dụng chính sách của Nhà nước, gian lận tiền thuế, làm thất thoát NSNN.