Hàng lậu diễn biến phức tạp ở Hà Nội

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh thì hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng. Hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán xen lẫn hàng thật gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát…

Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh thì hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu càng diễn biến phức tạp. Nguồn: internet
Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh thì hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu càng diễn biến phức tạp. Nguồn: internet

Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Vương Chí Dũng cho biết: tính đến tháng 11, Chi cục đã kiểm tra 9.336 vụ, xử lý 8.811 vụ, đạt 124% so với chỉ tiêu giao. Theo đó, tổng số tiền thu nộp 90,6 tỷ đồng, đạt 151,2% so với chỉ tiêu được giao, trong đó riêng phạt hành chính hơn 37,2 tỷ đồng; tổng giá trị hàng tịch thu sung công, buộc tiêu hủy hơn 53,46 tỷ đồng.

 Cùng với đó, Ban chỉ đạo 389 của thành phố được thành lập (tháng 7.2014) đã kiểm tra 32.696 vụ, xử lý 14.774 vụ, với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 1.474 tỷ đồng. Đặc biệt, trong dịp Tết, từ ngày 1.11 đến 15.12, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã kiểm tra 1.740 vụ, xử lý 1.530 vụ. Trong đó, vi phạm về hàng lậu, hàng cấm là 246 vụ; vi phạm về an toàn thực phẩm là 246 vụ… Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã kiểm tra 54 vụ về mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, xử lý 50 vụ, phạt hành chính  471.700.000 đồng, tịch thu 814 chai rượu, 148 bao thuốc lá...

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương và UBND TP. Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý hàng lậu, hàng giả, hàng cấm... Theo đó, Chi cục sẽ tăng cường thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường và báo cáo kịp thời các biến động về hàng hóa, giá cả, đối tượng, phương tiện vận chuyển, phương thức kinh doanh, địa bàn trọng điểm và hoạt động của thương nhân trên địa bàn quản lý; phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp xử lý kịp thời; nắm chắc cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường.

Trong đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại..., tập trung vào các mặt hàng pháo nổ, đồ chơi ảnh hưởng đến sức khỏe và nhân cách trẻ em; gia súc gia cầm nhập lậu; quần áo may sẵn, vải, hàng điện tử điện lạnh, đồ điện gia dụng, thiết bị xây dựng, điện thoại di động, thuốc lá, rượu ngoại, tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; các nguyên liệu nhập lậu dùng để sản xuất chế biến hàng công nghiệp thực phẩm vi phạm an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các đội quản lý thị trường cũng tập trung kiểm tra công tác bình ổn giá thông qua các kênh phân phối, lưu thông và tiêu thụ để kịp thời phát hiện những hành vi nâng giá bất hợp lý - chú trọng những doanh nghiệp được hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi để thực hiện chủ trương của Nhà nước trong việc điều hành giá theo cơ chế thị trường; chủ động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về giá, niêm yết giá và bán hàng theo niêm yết tại các điểm kinh doanh bán lẻ, siêu thụ, trung tâm thương mại, điểm phân phối hàng bình ổn giá, chợ truyền thống (đặc biệt với nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu).

Dịp cuối năm, các đối tượng buôn lậu thường tập kết, vận chuyển hàng lậu về Hà Nội. Hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng. Hàng giả, hàng kém chất lượng nhiều hơn, được bày bán xen lẫn với hàng thật gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát. Trong khi đó, nhân lực, trang thiết bị phục vụ kiểm tra, kiểm soát, nhận biết hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ sỡ hữu an toàn thực phẩm, hàng kém chất lượng còn thiếu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường. Do vậy, ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng, để ngăn chặn vấn nạn này, người tiêu dùng cũng cần tố giác, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về hành vi buôn lậu, vận chuyển, sản xuất hàng giả để ngăn chặn, xử lý theo pháp luật.