Hành lang nào cho việc đòi nợ thuê không trở thành du côn?

Theo Pháp luật Việt Nam

Quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ của Nhà nước khá nghiêm ngặt. Tuy nhiên thời gian gần đây, hoạt động này đã trở nên bát nháo, thậm chí hành vi của những người đòi nợ thuê đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà những doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề này “vô tình hay hữu ý” , vẫn xem như không có chuyện gì xảy ra…

Hành lang nào cho việc đòi nợ thuê không trở thành du côn?
Một số người ăn mặc, trang bị vẻ dữ dằn để đe dọa, trấn áp khi đi đòi nợ. Ảnh: Phapluatvn.vn

Đi đòi nợ hay “hành xử giang hồ”!?

Thời gian qua tình trạng “nhân viên thu hồi nợ” của một số công ty ở TP.HCM xuất hiện với mặt mày bặm trợn trước trụ sở của các doanh nghiệp la lối, khủng bố tinh thần nhân viên và thậm chí tìm đến tận nhà riêng của tổng giám đốc nhằm đe dọa vợ con gây áp lực yêu cầu trả nợ cho chủ nợ diễn ra khá phổ biến.

Mỗi lần bị đòi nợ “kiểu” như vậy, các doanh nghiệp chỉ biết gọi điện cầu cứu công an phường hoặc cảnh sát 113 để can thiệp. Chưa dừng lại ở đó, có trường hợp, “nhân viên thu hồi nợ” cố tình gây mất mặt, uy tín, danh dự của doanh nghiệp đối với khách hàng với mục đích tạo áp lực, chứ không hề muốn gặp gỡ nói chuyện lịch sự về vấn đề giải quyết nợ nần.

Mới đây, người thân của một chủ nợ ở Q.3, kéo đến đòi nợ và dẫn đến xô xát với “con nợ”. Khi công an phường mời hai bên về trụ sở làm việc, phía chủ nợ dẫn theo nhóm đòi nợ thuê mặc đồng phục, đội nón kết có gắn quốc huy, đeo công cụ hỗ trợ để “thị uy” và khăng khăng đòi vào trụ sở của công an.

Mặc dù cán bộ công an phường giải thích họ không liên quan gì đến chuyện xô xát và không cần có mặt ở đây nhưng nhóm đòi nợ thuê này tuyên bố: “Chúng tôi đi theo thân chủ bảo vệ bất cứ nơi nào!”.

Rồi nhóm người này tiếp tục xông vào và  xảy ra giằng co với công an phường. Trước sự hung hãn của họ, công an phường đã gọi điện cho cảnh sát hình sự quận xuống hỗ trợ. Khi đó nhóm người này mới chịu lên xe bỏ đi...

Chưa hết, cách đây không lâu, một công ty đòi nợ thuê ở Q.Tân Bình được một công ty mua bán vật liệu xây dựng ở Q.8 thuê, đã đến một doanh nghiệp kinh doanh xây dựng ở Q.Bình Thạnh... nằm luôn trên ghế sô pha trong phòng giám đốc ăn vạ. Nhóm người “đòi nợ thuê” này còn theo dõi đến tận nhà riêng của ông giám đốc uy hiếp, đe dọa tính mạng của vợ con ông.

Nghiêm trọng hơn là trường hợp xảy ra ở Q.3 . Vừa bước ra khỏi cổng, vị giám đốc đã bất ngờ bị 4 nhân viên của một công ty đòi nợ thuê khống chế lên taxi đưa về văn phòng đánh đập, đe dọa giết chết để đòi 900 triệu đồng cho chủ nợ.

Nhóm người này tra hỏi ông H. tại sao không trả tiền cho chủ nợ(?). Ông H. cố giải thích do món nợ đang được tòa thụ lý giải quyết vì có tranh chấp; nếu tòa tuyên án thì ông H. sẽ thi hành.

Nhưng lý lẽ của ông H. chỉ được đáp trả bằng những trận dùi cui tới tấp đánh xuống đầu. Sau đó, nhóm này buộc ông H. viết giấy cam kết trả 900 triệu đồng, trả làm ba lần trong vòng 5 tháng. Sau đó, chúng đọc cho ông H. viết khống một giấy vay tiền ghi tên chủ nợ là một người lạ hoắc với nội dung “vay 500 triệu đánh bạc” rồi cam kết phải trả vào một ngày đã định.

Do bị đánh quá nặng, ông H. được đưa đi bệnh viện cấp cứu và đã tìm cách tố cáo với công an. Lập tức, bọn chúng nhắn tin đe dọa nếu không rút đơn tố cáo thì sẽ sát hại hết cả nhà, khiến ông H. phải dọn nhà đưa gia đình đi ẩn náu.

Đòi nợ phải tuân thủ luật định

Nói về thực trạng đòi nợ thuê mà báo chí thời gian qua phản ánh, TS. Luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết:

“Dịch vụ đòi nợ là hoạt động dịch vụ nảy sinh trong nền kinh tế thị trường, xuất phát từ một bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong các quan hệ giao dịch dân sự - kinh doanh thương mại, được pháp luật điều chỉnh thông qua Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Bên cạnh các doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này hoạt động có uy tín, thực hiện đúng quy định của pháp luật, vẫn còn nhiều trường hợp biến tướng, hành xử không phù hợp với quy chuẩn ứng xử và khuôn khổ pháp luật, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên có thể xuất phát từ nhận thức không đúng về loại hình kinh doanh này, lầm tưởng mình có thể hành hiệp thay các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý tranh chấp, vi phạm các quyền và tự do cơ bản của công dân”.

Theo Luật sư Hoài, những hành vi được nêu trong các bài báo phản ánh có thể đã vi phạm vào các trường hợp bị cấm được nêu trong Điều 11 của Nghị định 104.

Đó là: Đối với chủ nợ hoặc khách nợ:  Ủy quyền cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện các hoạt động vượt quá quyền được pháp luật công nhận đối với chủ nợ hoặc khách nợ; Thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện những hành vi lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực đối với người của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan; Sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ gây bất lợi tới chủ nợ và khách nợ để phục vụ cho các mục đích khác ngoài nội dung được ủy quyền hoặc tiết lộ những thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Thực hiện các hoạt động, hành vi vượt quá quyền được pháp luật công nhận hoặc vượt quá phạm vi đã được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền; Đại diện đồng thời cho cả chủ nợ và khách nợ để xử lý đối với cùng một khoản nợ… Luật sư Hoài viện dẫn.

Thực tế có ý kiến cho rằng, nghề đòi nợ thuê hiện nay là một nghề nhạy cảm, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, ranh giới giữa “chính” và “tà” rất mong manh. Về vấn đề này, Luật sư Hoài nói: “Tôi nghĩ nhận xét đó có phần đúng ở chỗ, ranh giới xác định thế nào là “khoản nợ và thời điểm phát sinh nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đó” cần phải được quan tâm làm rõ.

Do vậy, yêu cầu đầu tiên của người thực hiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải xác định chính xác đã có khoản nợ phát sinh của một tổ chức kinh tế, hay cá nhân buộc phải thanh toán cho tổ chức kinh tế, cá nhân khác hay chưa?

Nợ quá hạn thanh toán là khoản nợ chưa được khách nợ thanh toán cho chủ nợ khi đã quá thời hạn phải thanh toán theo thoả thuận giữa chủ nợ và khách nợ hoặc đã quá thời hạn phải thanh toán theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Do vậy, người nhờ dịch vụ đòi nợ phải là “chủ” của khoản nợ đó và bản thân doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có căn cứ xác định khoản nợ đó đã trở thành khoản nợ quá hạn thanh toán. Tuy nhiên, pháp luật cũng cần minh định rõ một số vấn đề để không bị hiểu sai và vận dụng không đúng.

Chẳng hạn, theo khoản 3 Điều 4 của Nghị định 104 nói trên: “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật”; Cần phải chi tiết hóa cái gọi là “các biện pháp xử lý nợ phù hợp”.

Bởi chính ở điểm này, các doanh nghiệp, người được ủy quyền thực hiện dịch vụ này bị lầm lẫn, cho mình các quyền như phong tỏa, bao vây trụ sở “con nợ”, làm mất uy tín bằng các hình thức có thể bị coi là xâm phạm danh dự, uy tín cá nhân, làm cho con nợ vì xấu hổ hoặc lo sợ mà phải thanh toán cho chủ nợ… Chính ở chỗ này mới phát sinh cái gọi là “ranh giới” của sự đúng sai”.

Luật sư Hoài thận trọng: Nếu các hành vi được báo chí mô tả như thời gian qua là đúng sự thật thì có thể bị xem xét xử lý về mặt hành chính, rút giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoặc nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về hình sự liên quan các tội danh như “Gây rối trật tự công cộng”, “Cưỡng đoạt tài sản”...