Hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ người chống tham nhũng

Theo Hà An/daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Với đặc thù của tội phạm tham nhũng là loại tội thường được thực hiện một cách tinh vi, nên khả năng tìm chứng cứ để xử lý tội phạm rất thấp. Do đó, cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hoặc người là nhân chứng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong quá trình xử lý tội phạm tham nhũng. Đây cũng là yếu tố thu hút người dân tích cực tham gia cuộc chiến cam go này.

Cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng - nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Tham nhũng là một loại tội phạm mà hành vi biểu hiện của nó rất tinh vi, rất khó phát hiện. Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì việc tham gia của người dân vào trong công cuộc này có ý nghĩa rất quan trọng.

Nhằm tạo điều kiện tham gia tích cực của người dân, ở nhiều nước trên thế giới đã tạo cơ chế pháp lý rõ ràng để bảo vệ người dân khi họ tham gia chống tham nhũng.

Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng của Singapore quy định cụ thể về bảo mật danh tính cho người cung cấp thông tin về tham nhũng. Điểm e, khoản 2, điều 41 Luật Diệt trừ tham nhũng của Indonesia quy định quyền được bảo vệ pháp lý của người tố giác, người làm chứng trong những trường hợp tham gia vào việc tìm kiếm, cung cấp thông tin về vụ việc tham nhũng hoặc phải tham gia vào tiến trình tố tụng.

Trong khi đó, theo quy định của Luật về tự do báo chí và Luật về tự do biểu đạt của Thụy Điển quy định, các công chức có thể cung cấp thông tin về tham nhũng cho đại diện các cơ quan truyền thông nhằm xuất bản hoặc để tuyên truyền rộng rãi tới công chúng và họ có quyền được giữ bí mật danh tính.

Người đại diện cơ quan truyền thông có thể bị coi là phạm tội nếu tìm hiểu về danh tính của người cung cấp thông tin hoặc người phóng viên sẽ bị coi là phạm tội nếu để lộ tên tuổi của người đưa tin.

Được biết đến là một quốc gia rất cương quyết trong việc xử lý tội phạm tham nhũng, Trung Quốc đã rất thành công trong việc diệt trừ tham nhũng mànhững vụ án nổi tiếng gần đây là một bằng chứng.

Để có được thành công này, ngoài việc thành lập một số các cơ quan chống tham nhũng, Trung Quốc đã xây dựng cơ chế pháp lý chặt chẽ để tăng cường sự tham gia của người dân và cơ quan ngôn luận trong việc cung cấp thông tin chống tham nhũng bằng quy định tại điều 41 Hiến pháp về bảo đảm việc bảo vệ người tố giác, bảo vệ cán bộ viên chức tố giác bằng Quy chế xử lý viên chức của các cơ quan hành chính.

Ngoài ra, người dân có thể gửi các khiếu nại về website do Ủy ban kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Bộ giám sát thiết lập. Hay người dân có thể gửi tố giác các vụ án tham nhũng qua đường dây nóng 24h và website của Viện Kiểm sát tối cao.

Cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng


Không hiếm gặp những hành vi tham nhũng đang xảy ra trên thực tế, tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng để tố cáo những hành vi này. Đây là một nút thắt, đang ảnh hưởng đến công cuộc chống tham nhũng hiện nay.

Người dân không sẵn sàng với việc tố cáo hành vi vi tham nhũng không phải vì lý do tài chính từ việc áp dụng mức tiền thưởng không tương xứng mà cái chính là do tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao cho chính bản thân họ và gia đình.

Phòng, chống tham nhũng được ví như kiềng ba chân gồm cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan tổ chức liên quan và người dân thì việc người dân thờ ơ với hành vi tham nhũng đã vô hình trung làm cho chiếc kiềng ba chân này không được vững.

Đây là cách nói ví von của một số chuyên gia. Tuy nhiên, trở lại câu chuyện chống tiêu cực của chị Nguyệt ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức mà dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua để thấy rằng, câu chuyện tố cáo tiêu cực, tham nhũng vẫn còn là điều e dè.

Qua nhiều khảo sát cho thấy, người dân chưa tích cực tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng vì lý do cơ bản là sợ bị trả thù, sợ quyền lợi bị ảnh hưởng do pháp luật phòng, chống tham nhũng đang thiếu một cơ chế bảo vệ người làm chứng và người tố giác tham nhũng.

Theo đánh giá của Phó vụ trưởng Vụ Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, TS. Trần Văn Dũng, đại diện Nhóm chuyên gia trong nước nghiên cứu về Hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng cho rằng, với đặc thù của tội phạm tham nhũng là loại tội thường được thực hiện một cách tinh vi, nên khả năng tìm chứng cứ để xử lý tội phạm rất thấp. Do đó, cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hoặc người là nhân chứng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong quá trình xử lý tội phạm tham nhũng.

Được đánh giá là cơ chế quan trọng trong việc chống tham nhũng hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định cơ chế bảo vệ cần thiết đối với người tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng và những quy định thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.

Theo đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) cần phải bổ sung quy định về bảo vệ nhân chứng hoặc người tố giác tội phạm. Cụ thể, cần quy định các biện pháp bảo vệ, những người được áp dụng biện pháp bảo vệ; Căn cứ và điều kiện áp dụng biện pháp bảo vệ; Thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ; Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ; thời hạn bảo vệ; chấm dứt việc bảo vệ.

Chống tham nhũng là một cuộc chiến lâu dài, bền bỉ, kiện định và cương quyết. Nó luôn đòi hỏi sự tham gia tích cực, chủ động của các cơ quan chức năng.

Đặc biệt, để đẩy lùi tham nhũng, hạn chế thấp nhất cơ hội xảy ra tham nhũng và phát hiện xử lý kịp thời cần thu hút để người dân tham gia. Và người dân chỉ thực sự sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến này nếu có đủ cơ chế pháp lý để bảo vệ.

Phòng, chống tham nhũng được ví như kiềng ba chân gồm cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan tổ chức liên quan và người dân thì việc người dân thờ ơ với hành vi tham nhũng đã vô hình trung làm cho chiếc kiềng ba chân này không được vững.