Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có nhiều biến tướng phức tạp

Theo Hà Phương/thuongtruong.vn

Trong giai đoạn 2016-2018, Bộ Công Thương đã tiến hành xử lý thu hồi giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp của 18 doanh nghiệp (DN), có 18 DN tự chấm dứt hoạt động. Theo đó, tính đến nay, DN có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn 31 doanh nghiệp (giảm 54% so với đầu năm 2016).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, Bộ Công Thương điều tra, xử phạt Công ty TMQT Greenlife số tiền 510 triệu đồng và thu hồi giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp này; xử phạt 140 triệu đồng đối vi phạm Công ty TNHH Herbalife Việt Nam; Công ty CP nhượng quyền thương mại Toàn thắng bị phạt 60 triệu đồng; Bộ Công Thương cũng đã kết thúc thanh tra và xử phạt đối với 2 DN bán hàng đa cấp là Công ty TNHH mỹ phẩm Thường Xuân (phạt 170 triệu) và Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam (240 triệu đồng). Bên cạnh đó, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy và thực hiện thanh lý hợp đồng đối với người tham gia sau khi Công ty chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.

Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với Bộ, ngành liên quan tập trung hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp như: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý kinh doanh theo phương thức đa cấp, có hiệu lực từ ngày 2/5/2018. Đây được xem là công cụ pháp lý giúp tăng hiệu quả công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Nghị định đã bổ sung một số quy định mới đáng chú ý như: nâng cao điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, điều kiện tài chính và điều kiện kỹ thuật), bổ sung các quy định nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của DN bán hàng đa cấp, tăng cường phân cấp và nâng cao vai trò quản lý của cơ quan quản lý ở địa phương, bổ sung quy định nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp… Ngoài ra, Nghị định cũng đơn giản hóa một số thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các DN bán hàng đa cấp chân chính.

Bộ Công Thương triển khai tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đến các cơ quan quản lý ở địa phương cũng như DN và người tham gia bán hàng đa cấp; đăng tải các thông tin hoạt động của các DN có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để cảnh báo cho người dân nhằm tránh các thiệt hại không đáng có… góp phần đẩy lùi hoạt động bán hàng đa cấp bất chính và nhiều DN kinh doanh đa cấp bất chính bị loại bỏ khỏi thị trường.

Tuy nhiên, các chủ thể kinh doanh đa cấp bất chính đã có xu hướng chuyển sang các mô hình hoạt động sử dụng phương thức đa cấp nhưng không mua bán hàng hóa thực sự để né tránh sự quản lý của cơ quan nhà nước. Mặc dù, Bộ Công Thương và các đơn vị báo chí đã cảnh báo như về hoạt đọng đầu tư tiền ảo sử dụng mô hình đa cấp, hoạt động của Freedom Group, Future Net… nhưng tình trạng này vẫn tồn tại và lôi kéo sự tham gia của nhiều người dân.

Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, hiệu lực thi hành từ 1/1/2018) đã bổ sung Điều 217a về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đap cấp để xử lý các đối tượng vi phạm này nhưng đến nay chưa có vụ việc nào bị xử lý.

Ngoài ra, hiện số lượng cán bộ được giao thực hiện công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp hạn chế, ở các địa phương, công tác quản lý hoạt động này chỉ giao cho 1 hoặc 2 cán bộ kiêm nhiệm bên cạnh công tác khác nên ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước.