Kết quả kiểm toán đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: Liệu "đâu lại vào đấy"?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Những đồn đoán "bắt tay nhau" về tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong xây dựng cầu cống, đường sá, cuối cùng đã phần nào được sáng rõ qua kết quả của Kiểm toán Nhà nước về dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I). Hơn 5.240 tỷ đồng kinh phí đội lên có thể không gây bất ngờ với một số người, bởi họ biết rõ hơn ai hết, vì sao có con số đó.

Kết quả kiểm toán đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: Liệu "đâu lại vào đấy"?
Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn I bị đội kinh phí lên hơn 5.240 tỷ đồng. Nguồn: internet

Người ta đồn đại chuyện ăn xén, ăn bớt khiến cho đường cao tốc trở thành đường chất lượng thấp. Người ta đồn đại chuyện nâng giá công trình ở các dự án xây dựng giao thông khiến cho đường sụt lún, hư hỏng ngay khi mới đưa vào sử dụng. Lần này, không phải lời nói vô bằng chứng, mà bị bắt tại trận.

"Bắt" tại trận

Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I) đã được kiểm toán và kết quả là có bớt xén từ khâu khảo sát thiết kế đến bớt luôn cả cao độ mặt đường. Các nhà "ảo thuật" đã phối hợp để biến con đường từ 3.734 tỷ đồng thành 8.974 tỷ đồng. Nâng chi phí đầu tư thêm hơn 5.000 tỷ đồng, "đội giá" công trình lên hàng trăm tỷ đồng.

Về việc kinh phí bị đội từ 3.733,3 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng: Do tổng mức đầu tư của dự án lập trước năm 2005 thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhưng lại chuyển sang hình thức đầu tư bằng vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành, nên dự án phải chịu thêm phần lãi suất vay ngân hàng (có lúc lên đến 16%/năm), chịu biến động lớn về giá vật liệu, giá nhân công, thay đổi thể chế chính sách xây dựng của Nhà nước... làm tổng mức đầu tư của dự án đã được duyệt không còn phù hợp với thực tế.

Theo các chuyên gia cầu đường, lời giải thích nêu trên chỉ là "ngụy biện", bởi ngay từ khi lập dự án, chủ đầu tư đã biết phải đền bù giải tỏa ra sao, phải làm cầu cống thế nào, chứ không thể vừa làm vừa thêm thiết kế để tăng kinh phí đầu tư. VEC phải trả lời dư luận thế nào về việc năm 2005 được duyệt tổng kinh phí dự án là 3.733,3 tỷ đồng mà đến năm 2007 đã điều chỉnh dự án lên 7.723 tỷ đồng, và đến năm 2010 "đội" lên 8.974 tỷ đồng?

Theo TS. Nguyễn Đăng Quang – chuyên gia cầu đường, chất lượng nền đường và mặt đường dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được Kiểm toán Nhà nước phát hiện là điều rất đáng ngại. Đường mới đưa vào sử dụng mà mặt đường đã bắt đầu lún cục bộ, nhất là ở những chỗ tiếp giáp với cống, cầu, những nơi có chiều cao đắp lớn. Điều đó cho thấy chất lượng nền đường có vấn đề.

Có một sự thật đáng buồn, kết quả kiểm toán dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chỉ là một trong nhiều dự án giao thông đã và đang được xây dựng có khuất tất, có nghi ngờ. Nó rõ ràng đến nỗi, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã phải thẳng thắn thừa nhận, có tình trạng "bắt tay nhau"; có tình trạng không muốn làm đúng tiến độ nhằm mục đích xin điều chỉnh cái nọ, cái kia; có tình trạng đẩy giá dự án, thu tiền vào túi cá nhân, vào túi một nhóm người, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.

Sai từ khảo sát đến thi công

Tại công trình đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Kiểm toán Nhà nước phát hiện sai từ công tác khảo sát đến lập dự án, như: đề cương khảo sát không có nội dung thủy văn, thay vào đó là sử dụng các số liệu điều tra, tính toán thủy văn của một số dự án tương tự với khu vực dự án đi qua (!). Công tác khảo sát địa chất công trình cũng không khoan bổ sung khi gặp nền đất yếu theo quy định của Tiêu chuẩn 22TCN 263- 2000. Mặt khác, công tác lập thiết kế cơ sở chưa đề xuất được phương án hướng đi tối ưu theo quy định, dẫn đến phải thay đổi hướng tuyến tới 2 lần.

Theo Kiểm toán Nhà nước, công tác khảo sát bước lập dự án và việc lựa chọn phương án thiết kế ban đầu chưa tối ưu đã dẫn đến phải điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư (2 lần) với giá trị tăng từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng. Trong công tác khảo sát, thiết kế, lập và phê duyệt dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã áp dụng định mức hạng mục "Giếng cát đường kính D400 mm" là không đúng quy định. Chính việc áp dụng định mức không phù hợp với thực tế thi công đã ảnh hưởng rất lớn đến giá dự toán và giá gói thầu.

Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện việc dự toán bóc tách sai khối lượng so với khối lượng trên hồ sơ thiết kế kỹ thuật làm tăng giá trị dự toán công trình trên 1,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc áp dụng sai hệ số quy đổi đất đắp tại công trình dẫn tới làm tăng giá trị dự toán trên 1,6 tỷ đồng… Theo Kiểm toán Nhà nước, tổng hợp các sai lệch trong công tác dự toán so với tổng dự toán tính đúng của các gói thầu được duyệt là hơn 300 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước khẳng định, trách nhiệm trong việc này thuộc về Bộ Xây dựng khi chậm xây dựng và công bố định mức giếng cát, Bộ Giao thông Vận tải sai sót trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự toán, VEC quản lý vốn không chặt chẽ…

Một đại biểu Quốc hội có lần phát biểu: "Có công trình xây dựng, giao thông nào mà không đội giá, đội lên hàng nghìn tỷ đồng nhưng rồi đâu lại vào đấy", và nhìn nhận "đút lót, tiêu cực nhưng không bắt, không xử được". Chính sự "đâu lại vào đấy", chính vì "không bắt, không xử được" đã tạo thêm điều kiện cho nạn tham nhũng có cơ hội hoành hành, bòn rút từng đồng thuế của người dân.