Khách hàng đang lép vế trong hợp đồng với ngân hàng

Theo danviet.vn

(Tài chính) "Ngân hàng có thể thay đổi mức phí mà không cần thêm bất kỳ sự thông báo nào khác từ Ngân hàng" là một ví dụ về điều khoản sai phạm.

Khách hàng đang lép vế trong hợp đồng với ngân hàng
Bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong các giao dịch tài chính là vấn đề rất được quan tâm thời gian gần đây. Nguồn: internet
Bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong các giao dịch tài chính là vấn đề rất được quan tâm thời gian gần đây, sau nhiều vụ lừa đảo trên thị trường tài chính khiến khách hàng mất trắng.

Tại hội thảo do Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) tổ chức sáng nay (19/3), bà Trần Diệu Loan, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết Việt Nam hiện nay chưa có quy định chuyên biệt cho bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Các hợp đồng mẫu mà ngân hàng sử dụng hiện không chịu sự điều chỉnh của quy định hiện hành về hợp đồng theo mẫu của Bộ Công thương.

Tuy nhiên, bà Loan cho biết, cơ quan quản lý nhà nước vẫn có quyền yêu cầu loại bỏ những quy định vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các điều khoản của hợp đồng. Năm 2013, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành rà soát hoạt động ngân hàng, làm việc với WB, Ngân hàng Nhà nước, 5 ngân hàng ... và chỉ ra và yêu cầu điều chỉnh nhiều vấn đề còn tồn tại trong hợp đồng tại các ngân hàng Việt Nam.

Phó trưởng Phòng Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, đăng ký giao dịch chung, Bộ Công thương đưa ra một số ví dụ sai phạm khi trong hợp đồng ghi: "Chủ thẻ phải chịu trách nhiệm về mọi rủi ro", "Ngân hàng có thể thay đổi mức phí mà không cần thêm bất kỳ sự thông báo nào khác từ Ngân hàng" ... Các điều khoản này cần sửa đổi để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia ký kết hợp đồng.

Bà Trần Diệu Loan từ chối trả lời câu hỏi về việc liệu bộ có chủ chương xây dựng nghị định, thông tư liên quan tới bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính hay không, cho biết trong tháng 4, 5 tới đây Cục sẽ tổ chức một chuyên đề đặc biệt về vấn đề này.

Thách thức đặt ra với việc bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính là hiện Việt Nam không có hệ thống pháp luật xuyên suốt, và duy nhất; cơ chế phối hợp đồng bộ trong từng trường hợp giữa các bên liên quan chưa được quy định cụ thể, bà Loan trả lời đại diện WB.

Theo khảo sát của WB, 97 trong tổng số 114 nước tham gia khảo sát hiện trao quyền bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính cho các cơ quan giám sát tài chính nhà nước thay vì cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng nói chung.

WB đề xuất, Việt Nam có thể tham khảo cơ chế điều phối từ một số quốc gia khác. Khi chưa có quy định pháp luật cụ thể, các bên liên quan có thể ký kết các biên bản ghi nhớ, biên bản hợp tác trong trao đổi thông tin, tham vấn giữa các bên...

Về bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng, WB cho biết hiện các nước hầu hết đều có quy định về mức trần, nếu yêu cầu dự phòng rủi ro quá cao thì có thể mang lại tác dụng ngược với cơ chế hoạt động thị trường.