“Khan” tiền mới lì xì, chợ đen đua nhau “chặt chém”

Theo dantri.com.vn

(Tài chính) Nhu cầu đổi tiền mới mệnh giá nhỏ 10.000 đồng, 20.000 đồng… lì xì Tết đang ở thời điểm cao trào. Trong khi nhiều ngân hàng chỉ mới có kế hoạch đổi tiền cho khách hàng “ruột”, thì trên các diễn đàn, chợ đen, dịch vụ này lại bùng nổ với giá “cắt cổ”.

“Khan” tiền mới lì xì, chợ đen đua nhau “chặt chém”
Bùng nổ dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ với giá “cắt cổ”. Nguồn: internet

Anh T.Đ (nhân viên một ngân hàng tại Hà Nội) cho biết: Mọi năm anh vẫn nhận đổi tiền mới các mệnh giá 10.000 đồng , 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng cho gia đình và bạn bè với mục đích lì xì năm mới. Nhưng năm nay, dù ngày Tết đã đến rất gần, ngân hàng anh vẫn chưa có kế hoạch đổi tiền mới.

“Bộ phận kế toán thông báo, lượng tiền mới về còn ít nên phải ưu tiên đổi cho các khách hàng thân thiết. Nếu đến sát Tết, tiền mới còn thì mới đến phần của nhân viên”, anh T.Đ nói.

Than phiền về việc khó đổi tiền mới để lì xì ngày Tết, chị Thủy Nhung (Hà Đông, Hà Nội) cho hay: “Sáng nay tôi đến hai ngân hàng, họ đều hỏi đã bao giờ giao dịch tại đây chưa. Nhân viên giao dịch lý giải, nếu là khách hàng thân thiết sẽ được ưu tiên đổi trước và hiện chưa đủ tiền mới để đổi cho khách vãng lai”.

Khảo sát tại các ngân hàng ở Hà Nội cho thấy, nhu cầu đổi tiền lẻ với mục đích lì xì Tết của người dân khá lớn.Tiền có mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng là các loại tiền được nhiều người dân tìm đến ngân hàng để đổi tiền mới nhiều nhất. Đổi tiền lẻ, tiền mới tại ngân hàng không mất phí nên đông khách “ghé qua”.

Tuy nhiên, ngân hàng chỉ đáp ứng được một lượng nhỏ, chủ yếu đổi cho khách hàng thân quen, bởi tiền mới từ Ngân hàng Nhà nước chưa chuyển về. Được biết, cùng với việc không in mới tiền mệnh giá 1.000 đồng - 2.000 đồng, các loại tiền mới mệnh giá 20.000 đồng - 50.000 đồng năm nay cũng in khá hạn chế.

Trong khi tình hình tiền mới mệnh giá nhỏ tại các ngân hàng đang khan hiếm thì tại thị trường chợ đen, hoặc trên các diễn đàn, trang mạng rao vặt, cung tiền mới lại rất dồi dào. Các ngõ nhỏ trên phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hay các cổng chùa, dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ sôi động hơn bao giờ hết. Tiền mới, tiền lẻ không thiếu, khách hàng cần bao nhiêu đều được đáp ứng, nhưng phí đổi tiền lẻ rất “chát”.

Theo bảng giá của một số “cò” tiền lẻ, tờ 100.000 đồng đổi “10 ăn 9” (tức 1 cọc 100 tờ trị giá 10 triệu đồng, khách hàng phải trả phí 10% là 1 triệu đồng); tờ 50.000 đồng tiền 50.000 đồng, một cọc người đổi mất 500.000 đồng. Nhưng người có nhu cầu đổi tiền bị “chặt chém” nhất phải kể đến là các đồng tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và các loại tiền lẻ mới dành để đi chùa.

“Tiền mới mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng được dự báo là rất hiếm nên nhu cầu đổi tiền của khách hàng đang tăng cao. Phí đổi tiền là “10 ăn 8”, một cọc 100 tờ 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng, chị lấy phí 20%, tương đương 200.000 đồng và 400.000 đồng”, một “cò” tiền lẻ trên phố Đinh Lễ chào mời.

Không chỉ ở chợ đen, mà tại các diễn đàn, các mẫu tin về dịch vụ đổi tiền lẻ được rao bán một cách ồ ạt, công khai. Tại websitedoitienle, chủ nhân trang web cho biết đang có đầy đủ tiền các mệnh giá, tất cả tiền đều mới tinh và “còn nguyên niêm phong của ngân hàng”... Thậm chí, chỉ cần khách hàng gọi điện sẽ có người mang tiền lẻ, tiền mới “giao tận tay”.

Các trang web này cho biết, những tờ tiền lì xì có số seri đẹp như tứ quý, tam hoa (ba, bốn số đuôi giống nhau), thần tài may mắn (3939 - 3979, 6869 - 6869), phát lộc - lộc phát (68-86; 66-68) cũng không thiếu, với mức giá từ 500.000 đồng đến gần hai triệu đồng/cặp. Ngoài ra, một số trang rao vặt còn rao đổi tiền với “phí rất cạnh tranh”. Nhưng nếu không đổi nhanh, đổi sớm, Tết càng đến gần, phí đổi tiền lẻ càng đắt.

Với việc bùng nổ dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ “ăn” phí tại chợ đen, cổng chùa, trên các trang rao vặt hiện nay, có vẻ như mục tiêu xóa bỏ việc đổi tiền lẻ ăn chênh lệch khó thành hiện thực. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Bởi theo Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao đã phát sinh hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi.