Khẳng định vị thế trong đấu tranh chống buôn lậu

Theo baohaiquan.vn

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra trên khắp các tuyến biên giới đường bộ, đường biển và hàng không. Đứng trước vấn nạn này, ngành Hải quan đã và đang xây dựng lực lượng chuyên trách chống buôn lậu chính quy, tinh nhuệ, từng bước áp dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, dần khẳng định vị thế trong công tác này.

 Tang vật 2,2 tấn ngà voi do lực lượng Hải quan chủ trì phối hợp bắt giữ tại Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng tháng 8/2015. Nguồn: baohaiquan.vn
Tang vật 2,2 tấn ngà voi do lực lượng Hải quan chủ trì phối hợp bắt giữ tại Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng tháng 8/2015. Nguồn: baohaiquan.vn

Nâng cao năng lựckiểm soát hải quan

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng đã đem lại không ít khó khăn cho Việt Nam khi phải đối mặt với nguy cơ khủng bố quốc tế, rửa tiền, buôn bán, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng. Đứng trước những nhiệm vụ nặng nề này, đòi hỏi ngành Hải quan phải nâng cao hiệu quả hoạt động, kiện toàn, tổ chức lại lực lượng chuyên trách làm công tác chống buôn lậu một cách toàn diện.

Trên thực tế, để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên, lực lượng Hải quan chịu sự tác động từ nhiều yếu tố như cơ sở pháp lý, trang thiết bị hỗ trợ… Khắc phục khó khăn trước mắt, ngành Hải quan đang tăng cường năng lực cho các đơn vị Hải quan chuyên trách làm nhiệm vụ chống buôn lậu theo Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng Hải quan chuyên trách chống buôn lậu đến năm 2020.

Mục tiêu mà Đề án muốn hướng đến là xây dựng lực lượng Hải quan chuyên trách chống buôn lậu từng bước chuyên sâu, hoạt động hiệu quả, có đủ bản lĩnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đó là, chuyên nghiệp, chuyên sâu ở các lĩnh vực nghiệp vụ cơ bản, điều tra; mở rộng các nhiệm vụ mới như phòng, chống khủng bố, rửa tiền, ma túy, sở hữu trí tuệ.

Theo đó, ngành Hải quan áp dụng các giải pháp mang tính lâu dài nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng kiểm soát Hải quan theo hướng chuyên sâu - chuyên nghiệp - hiệu quả thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo và đào tạo lại; nâng cao chất lượng giảng dạy, huấn luyện của đội ngũ giảng viên ngành Hải quan về công tác kiểm soát hải quan đảm bảo kiến thức giảng dạy chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu công tác kiểm soát trong tình hình mới.

Năm 2014, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của ngành Hải quan tiếp tục được củng cố và dần khẳng định vai trò “đầu tàu” khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19/3/2014 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).

Quyết định này nêu rõ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đặt tại Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) làm nhiệm vụ giúp việc cho Trưởng ban và Ban Chỉ đạo quốc gia. Tham gia vào thành viên của Văn phòng Thường trực gồm các cán bộ, công chức Hải quan dày dặn kinh nghiệm, có chuyên môn sâu về nghiệp vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Do vậy, ngoài thực hiện nhiệm vụ tham mưu, cũng như tham gia đấu tranh trực tiếp, lực lượng Hải quan cũng thể hiện vai trò cầu nối giữa các lực lượng chức năng tại biên giới và nội địa.

Áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý

Ngoài việc kiện toàn bộ máy, tổ chức lực lượng chuyên trách làm công tác chống buôn lậu, trong thời gian tới ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao vị thế của Hải quan Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và thế giới; mở rộng và khai thác có hiệu quả nguồn thông tin tình báo Hải quan trong khu vực để phục vụ tích cực cho các hoạt động nghiệp vụ về kiểm soát Hải quan. Cùng với đó, ngành Hải quan đang cải cách toàn diện ở mọi mặt công tác, đặc biệt là công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Có thể kể tới, vào đầu năm 2015 này, ngành Hải quan chính thức vận hành Trung tâm chỉ huy trực tuyến. Trung tâm được kỳ vọng chống buôn lậu “từ xa” nhờ xác định trọng điểm, kiểm soát trực tuyến, kịp thời ra quyết định, chỉ đạo các đơn vị trong việc phối hợp thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bắt giữ khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật Hải quan.

Thông quan hệ thống camera giám sát, xe lưu động... được kết nối trực tuyến giúp cho lực lượng Hải quan tiếp nhận thông tin bằng hình ảnh về hoạt động XNK, XNC một cách nhanh chóng, tức thời. Những dữ liệu về số tờ khai XNK, số container, biển kiểm soát phương tiện vận tải… nằm cách Trung tâm hàng trăm, hàng nghìn cây số đều được đưa vào “tầm ngắm”.

Cùng với đó, Trung tâm được trang bị Hệ thống máy bay không người lái Orbiter 2 có tầm hoạt động từ 30km đến 35km, tốc độ bay tối đa 5.000m, tốc độ bay từ 55km/h đến 133km/h… giúp giám sát các phương tiện ngoài khơi… Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Trung tâm đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng kiểm soát Hải quan ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển hàng cấm từ nước ngoài vào Việt Nam qua các khu vực cảng biển, cảng hàng không và tuyến biên giới đường bộ.

Trước đó, ngành Hải quan đã trang bị 11 hệ thống máy soi container (cố định, di động và dạng cổng) đặt tại các Cục Hải quan địa phương có kim ngạch hàng hóa XNK lớn trải rộng từ Bắc-Trung-Nam.

Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức ra mắt Đơn vị kiểm soát cảng (PCU) và ký biên bản bàn giao những trang thiết bị cho phòng làm việc của PCU và công cụ hỗ trợ PCU thực thi công tác.

Việc thành lập PCU tại Hải Phòng là một trong những cam kết của Việt Nam khi tham gia Chương trình kiểm soát container (CCP) nhằm góp phần phát hiện các hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép hàng hóa cấm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của cơ quan Hải quan Hải Phòng. PCU Hải Phòng bao gồm 6 thành viên là các cán bộ có kinh nghiệm, đang công tác tại Cục Hải quan Hải Phòng.