Khó tránh phát sinh kiện tụng về đầu tư

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tăng khá mạnh từ đầu năm 2018 đến nay là tín hiệu lạc quan cho môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, do những bất cập về mặt pháp lý, chính sách và khâu quản lý nên khó tránh khỏi phát sinh những khiếu nại, tranh chấp đầu tư quốc tế và để giảm thiểu là cả bài toán nan giải.

Một số thủ tục đầu tư còn bị bỏ sót khi cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài.
Một số thủ tục đầu tư còn bị bỏ sót khi cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ở TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua phát sinh một số vụ kiện tụng liên quan đến các dự án nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Đơn cử như vụ công ty Dialasie (Pháp) kiện vi phạm Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam – Pháp.

Hay như vụ ông Bryan K. Cockrell (quốc tịch Mỹ) kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Mỹ (BTA), với lý do UBND Tp.HCM đã không phê chuẩn việc chuyển nhượng vốn của bên Việt Nam cho bên nước ngoài, gây ảnh hưởng quyền lợi của ông Bryan đối với khoản đầu tư tại dự án Cao ốc Saigon Metropolitan của công ty Liên doanh Cao ốc Saigon Metropolitan TNHH.

Rủi ro tranh chấp

Tại Khánh Hòa xảy ra vấn đề tồn tại những NĐT chưa hiểu rõ quy trình thủ tục đầu tư, không xử lý được những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư. Điều đó dẫn đến việc khiếu nại với UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ KH&ĐT, Chính phủ về việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư như Dự án Trường đại học Khánh Hòa của Tập đoàn Dewan theo hình thức BT, dự án Khu nghỉ mát Nga Cam Ranh của công ty CP Phát triển Nga Cam Ranh…

Chia sẻ tại hội thảo về Phòng ngừa và giảm thiểu khiếu nại, tranh chấp đầu tư quốc tế do Bộ KH&ĐT tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cuối tuần qua, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP. Hồ Chí Minh, cho biết qua rà soát, cơ quan này hiện đang tiếp nhận và giải quyết 8 vụ việc có khả năng chuyển thành tranh chấp quốc tế.

"Đối với các vụ việc nêu trên, các cơ quan liên quan đang cố gắng xử lý theo biện pháp hòa giải, thương lượng nhằm hạn chế tối đa khả năng tranh chấp, không làm mất thời gian, chi phí, nhân lực để theo dõi, xử lý vụ việc. Trường hợp không thể giải quyết bằng biện pháp hòa giải, thương lượng, sẽ cố gắng tìm biện pháp xử lý khác nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của NĐT nước ngoài", bà Mai nói.

Theo thừa nhận của ông Trần Minh Hải, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa, một số thủ tục đầu tư còn bị bỏ sót khi cấp phép cho NĐT nước ngoài, dẫn đến việc NĐT khiếu nại các quyết định hành chính của tỉnh. Điều đáng nói là công tác thẩm định năng lực của NĐT khi giao thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng BT còn chưa thực hiện tốt.

Ông Hải cho biết việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình xử lý khiếu nại của NĐT chưa thực sự hiệu quả. Bản thân tỉnh Khánh Hòa cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các khiếu nại, tranh chấp của NĐT nước ngoài.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, luật sư Châu Huy Quang (công ty Luật Rajah&Tann) cho biết để phát triển môi trường đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã tham gia ký kết trên 60 hiệp định đa phương và song phương liên quan đến đầu tư.

Trong thực tiễn, sau khi ký kết những hiệp định quốc tế như vậy, Việt Nam phải nội địa hóa các cam kết đó vào trong luật để tương thích, đáp ứng được các cam kết.

Luật còn "vênh"

"Về mặt lý thuyết là vậy, nhưng thực tế làm luật và triển khai luật liên quan đến đầu tư nước ngoài còn nhiều bất cập. Vấn đề nằm ở việc thực thi luật của các cơ quan quản lý. Nhất là hiện nay, rủi ro về một số tranh chấp giữa NĐT nước ngoài với các cơ quan hành chính đang diễn ra, tiềm ẩn rủi ro pháp lý đã đi rất xa", luật sư Châu Huy Quang lưu ý.

Đơn cử như các quyết định hành chính của một cơ quan hành chính địa phương, hay các quyết định tư pháp, các bản án của cơ quan tư pháp cũng có thể dẫn đến những bức xúc trong việc áp dụng luật, nghị định hay các điều ước quốc tế.

Hoặc một số dự án bất động sản có vốn đầu tư lớn, Giấy phép đầu tư có nhiều nội dung được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật có nhiều thay đổi (như ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định chuyển giao không bồi hoàn). Việc này dẫn đến khi có vấn đề phát sinh, việc theo dõi, đối chiếu với quy định và giải quyết các vấn đề liên quan hết sức khó khăn.

Theo giới chuyên gia, đâu đó giữa các ngành luật khác nhau còn có sự "vênh", chưa được thống nhất, các quy định còn chưa rõ ràng. Điều này dẫn đến quan điểm các bên, các cơ quan liên quan đối với nhiều vụ việc còn khác xa nhau.

Chẳng hạn, theo quy định của Luật Đầu tư, trong trường hợp sau 12 tháng mà NĐT không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ xem xét, chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.

Tuy nhiên, việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định của Luật Đất đai lại không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; và có thể được gia hạn sử dụng 24 tháng theo quy định.

Rõ ràng, trước nhiều bất cập trong khâu pháp lý và quản lý thì việc vướng vào các tranh chấp trong đầu tư quốc tế sẽ mất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho các bên.

Việc phát sinh là khó tránh khỏi, điều quan trọng là các cơ quan quản lý cần chủ động phòng ngừa giải quyết các khiếu nại, tranh chấp nhằm giữ vững môi trường đầu tư.