Khó xử lý 45.000 tỷ đồng nợ thuế

Theo Báo Tiền Phong

Trong đó, có vài ngàn tỷ đồng nợ thuế đã “treo” nhiều năm, chưa xóa nợ vì người nộp thuế bị phá sản, giải thể, đã chết hoặc mất tích...

Khó xử lý 45.000 tỷ đồng nợ thuế
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Xóa nợ không dễ

Số nợ thuế khó thu hồi ngày một “phình” to. Đơn cử, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã gửi danh sách đề nghị xóa nợ thuế cho 1.999 trường hợp chết, mất tích có tổng nợ thuế 10 tỷ đồng, nhưng không cung cấp đầy đủ hồ sơ cụ thể của từng trường hợp…

Tại một số tỉnh như Nam Định, Thái Bình… nhiều nông dân đã nộp thuế cho các hợp tác xã từ lâu, nhưng đơn vị này bị giải thể, cá nhân chiếm dụng tiền hoặc ban chủ nhiệm bị bắt, đi tù… ngành Thuế cũng không thu hồi được.

Theo ông Trịnh Hoàng Cơ, Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục thuế), năm 2012, tổng nợ thuế toàn Ngành ước khoảng 45.000 tỷ đồng thì nợ thuế khó đòi chiếm tới 14%, tương đương khoảng 6.180 tỷ đồng, tăng hơn 1.300 tỷ đồng so với năm 2011.

Số nợ đọng này chủ yếu của doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, đã chết hoặc mất tích...

Theo Luật Quản lý thuế, số nợ khó thu hồi sẽ được xóa nợ. Ông Cơ cho biết: “Người nợ thuế không cung cấp đầy đủ hồ sơ cần thiết. Chẳng hạn, gia đình có người chết hoặc mất tích không xuất trình được giấy báo tử, DN phá sản giải thể không nộp tờ khai quyết toán thuế tại thời điểm gần nhất (khi tòa tuyên bố phá sản)... Nếu không có những yếu tố đó ngành thuế không làm thủ tục xóa nợ được”.

Ngoài ra, theo ông Cơ, khối nợ thuế chờ xử lý hiện chiếm khoảng 10% tổng nợ thuế, ước khoảng 4.500 tỷ đồng. Đây là các khoản nợ chờ gia hạn, đề nghị xóa nợ, miễn giảm, hoàn thuế… Trong đó, có tới 79% là nợ của DN nhà nước, DN có vốn FDI, ngoài quốc doanh.

Những chiêu khất nợ

Theo Tổng cục Thuế, trong 45.000 tỷ đồng nợ thuế, thì số nợ của DN nhà nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, DN ngoài quốc doanh chiếm tới 79%, tương đương 35.550 tỷ đồng.

Năm 2012, trong hai đợt gia hạn, giảm thuế theo Nghị quyết của Chính phủ, nhiều DN nợ đọng thuế lớn đã làm đơn xin khất nợ. Tuy nhiên có tới 90% DN gửi đơn không đủ điều kiện gia hạn thuế. Nhiều DN gửi đơn, “bịa” lý do để xin gia hạn, xoá nợ thuế.

Hơn thế, “Có DN còn khủng bố chúng tôi bằng công văn. Cứ sau khi chúng tôi trả lời DN không thuộc đối tượng hưởng ưu đãi thuế, họ lại gửi đơn với cùng một nội dung xin gia hạn, xoá nợ thuế. Có DN gửi đơn tới 11 lần, chúng tôi mệt mỏi vì phải làm công văn trả lời”- Vị lãnh đạo trên than thở.

Tính đến ngày 20/11/2012, ngành Thuế đã ban hành quyết định cưỡng chế khoảng 19.000 người nộp thuế với tổng số thuế khoảng 8.800 tỷ đồng. Trong đó, cưỡng chế 10.000 DN có nợ trên 90 ngày hoặc hết thời hạn gia hạn nộp thuế hoặc có hành vi tẩu tán tài sản. Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đắk Lắk… có hiện tượng DN chuyển tiền khỏi tài khoản bất thường, bán tài sản trị giá lớn…

Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, năm 2012, cơ quan Thuế đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ đọng thuế của DN, kể cả áp dụng biện pháp mạnh là cưỡng chế. Nhưng thực sự, DN rất khó khăn.