Không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng

PV.

Với quyết tâm chính trị cao, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 đã có chuyển biến rõ hơn và đạt được nhiều kết quả tích cực, được nhân dân và dư luận đồng tình, đánh giá cao, củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

"Không có vùng cấm, không loại trừ bất kỳ ai"

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại phiên thảo luận kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XIV sáng 7/11. Theo đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị về phòng, chống tham nhũng, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, kiên quyết thanh tra, kiểm tra phát hiện đưa ra truy tố, xử lý nghiêm minh các vụ án kinh tế theo đúng tinh thần không có vùng cấm, không loại trừ bất kỳ ai, nếu có vi phạm thì đều bị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng năm 2017, Chính phủ đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Kịp thời ban hành sửa đổi nhiều văn bản pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, nhờ đó, tình hình vi phạm pháp luật đã được kiềm chế, công tác phòng chống tham nhũng đã có nhiều kết quả tích cực, được dư luận và người dân đánh giá cao.

Theo đó, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã đưa ra xét xử, nhiều cán bộ, công chức nhà nước vi phạm, kể cả cán bộ, công chức cấp cao bị xử lý kỷ luật. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường và đạt được kết quả tích cực. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao, xử lý kết luận thanh tra và xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra các dự án lãng phí, thua lỗ lớn, các dự án dư luận xã hội quan tâm, các lĩnh vực nhạy cảm.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, qua công tác thanh tra đã phát hiện, xử lý và kiến nghị thu hồi về ngân sách 46.268 tỷ đồng và 5.308 ha đất, ban hành 154.298 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền là 5.403 tỷ. Phát hiện và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra so với năm 2016 tăng 52.1% số vụ và 100% số đối tượng…

Tuy nhiên, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn ra nghiêm trọng; Công tác phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Theo đó, vụ việc tham nhũng phát hiện chưa phản ánh đúng thực tế, công tác giám định tư pháp còn nhiều khó khăn, bất cập, kể cả về cơ sở vật chất, về đội ngũ cán bộ, về kinh phí. Việc thu hồi tài sản do phạm tội tham nhũng còn ít. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, thiếu kiểm tra. Việc xác minh để bảo đảm tính trung thực trong việc kê khai tài sản còn hạn chế; Công tác kiểm tra phát hiện, xử lý tham nhũng ở cấp tỉnh, đặc biệt là những tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản… có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia chưa có chuyển biến rõ rệt.

Trước thực trạng đó, các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, số lượng vi phạm pháp luật hành chính còn lớn, nhiều vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự, nhưng không bị xử lý hình sự, mức xử phạt trong nhiều trường hợp còn nhẹ. Điều này dẫn đến tình trạng chấp hành pháp luật không nghiêm, nhờn luật, hiện tượng phạt cho tồn tại còn khá phổ biến, dư luận và cử tri cho rằng một số trường hợp còn biểu hiện hành chính hóa quan hệ hình sự tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm…

Đẩy mạnh tiến độ điều tra truy tố xét xử các vụ án kinh tế

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Hoàn chỉnh dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi) để trình Quốc hội. Khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu... Sửa đổi quy định về tặng quà và nhận quà, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng. Hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản…

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm có nhiều dư luận về tham nhũng như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch bổ nhiệm cán bộ... Kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi xây dựng chương trình công tác thanh tra hàng năm phải tập trung tại các tỉnh có nhiều dự án đầu tư lớn khai thác tài nguyên khoáng sản, có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, tránh bỏ lọt tội phạm tham nhũng.

Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ điều tra truy tố xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng phức tạp nhất là những vụ việc thuộc diện ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo dõi chỉ đạo áp dụng đầy đủ các biện pháp xác minh kê biên tài sản đối với các bị can, bị cáo trong quá trình điều tra truy tố xét xử thi hành án để đảm bảo thi hành thu hồi tài sản do phạm tội mà có. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ có cơ chế hữu hiệu để loại trừ khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ công chức, viên chức thoái hóa biến chất, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân theo phe nhóm, theo dòng tộc…