Không dùng thức ăn chứa kháng sinh kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi

PV.

Từ 31/12/2017, sẽ chấm dứt sử dụng thức ăn chứa kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đến 2020 sẽ chấm dứt thức ăn chăn nuôi có sử dụng kháng sinh nhằm mục đích phòng trừ bệnh.

Đến 2020 sẽ chấm dứt thức ăn chăn nuôi có sử dụng kháng sinh nhằm mục đích phòng trừ bệnh. Nguồn: Internet
Đến 2020 sẽ chấm dứt thức ăn chăn nuôi có sử dụng kháng sinh nhằm mục đích phòng trừ bệnh. Nguồn: Internet

Đó là lộ trình cụ thể được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra để quản lý chặt chẽ thức ăn chứa kháng sinh trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản 2017 - 2020.

Thực tế hiện nay, việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc trong gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm động vật.

Đồng thời, việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, trộn kháng sinh vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản mà không có sự giám sát về chuyên môn cho thấy, thuốc kháng sinh được sử dụng thiếu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đang hướng đến sản phẩm xuất khẩu. Trong khi đó, yêu cầu của thị trường nhập khẩu hiện nay kiểm tra rất khắt khe dư lượng hóa chất, kháng sinh.
Vì vậy, việc kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường.

Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát chất kháng sinh đã đề ra 5 mục tiêu:

Thứ nhất là, rà soát, sửa đổi và thi hành các quy định và chính sách liên quan tới kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản.

Thứ hai , nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ hình thành kháng kháng sinh.

Thứ ba , thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản.

Thứ tư là, giám sát việc sử dụng kháng sinh, kháng sinh tồn dư và kháng kháng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản.

Thứ năm là, tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác liên ngành về quản lý kháng kháng sinh.