Kiểm tra và xử lý các cơ sở, cá nhân vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết

Theo Ngọc Thủy/thanhtravietnam.vn

Từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất chỉ còn khoảng 3 tuần, thời gian này, các đối tượng thường xuyên vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa hôi thối đem đi bán cho các cơ sở sản xuất thực phẩm chín để tiêu thụ. Do đó, các lực lượng đang tích cực triển công tác phòng chống trên các địa bàn cả nước.

Công an đang thu giữ nguyên liệu hạt trân châu không rõ nguồn gốc. Nguồn: internet
Công an đang thu giữ nguyên liệu hạt trân châu không rõ nguồn gốc. Nguồn: internet

Phát hiện cơ sở trà sữa trân châu Ding Tea dùng nguyên liệu không rõ nguồn gốc

Ngày 25/1, thông tin từ đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của Thành phố Hà Nội về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được biết, đơn vị này vừa phát hiện cơ sở trà sữa trân châu Ding Tea có nguyên liệu hạt trân châu không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, trong quá trình kiểm tra cửa hàng trà sữa trân châu Ding Tea (địa chỉ số 80 - 82, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa), đoàn phát hiện 3 thùng hạt trân châu giống nhau, duy chỉ có 2 thùng hạt trân châu là cơ sở có thể xuất trình nguồn gốc thuộc Công ty TNHH TMDV và đầu tư sản xuất Lá Phong, còn lại 1 thùng hạt trân châu không xuất trình được nguồn gốc xuất xứ.

Để làm rõ nguồn gốc của số hạt trân châu này, đoàn kiểm tra quyết định tạm thời niêm phong toàn bộ số sản phẩm trên và yêu cầu chủ cửa hàng tiếp tục xuất trình các hồ sơ có liên quan để giải quyết. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng đã lấy mẫu hạt trân châu và thạch Agar-agar ball của công ty TNHH TMDV và đầu tư sản xuất Lá Phong để tiến hành xét nghiệm phân tích chất lượng VSATTP.

Ngoài lô sản phẩm trân châu nêu trên, chủ cửa hàng đều xuất trình đầy đủ giấy tờ pháp lý liên quan như: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, giấy đăng ký kinh doanh, giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu trà sữa…

Nghệ An: Bắt giữ 38kg nội tạng, da động vật bốc mùi hôi thối

Tổ công tác - Công an huyện Kỳ Sơn và Ban Công an thị trấn Mường Xén làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại khu vực khối 5 thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Qua đó, đã phát hiện và thu giữ 38 kg nội tạng, da động vật bốc mùi hôi thối đi tiêu thụ.

Trước đó, vào khoảng 10 sáng ngày 26/1, tổ công tác Công an huyện Kỳ Sơn và Ban Công an thị trấn Mường Xén  đã phát hiện đối tượng Trần Đức Mai, sinh 1985, chuyên kinh doanh buôn bán thực phẩm tươi sống tại chợ Mường Xén điều khiển xe máy mang biển kiểm soát 37 D1 – 726.34, vận chuyển 1 bao tải màu xanh, bên trong có chứa 38kg nội tạng, da động vật đã chảy rỉ nước, bốc mùi hôi thối.

Qua kiểm tra, Mai không xuất trình được nguồn gốc xuất xứ số hàng trên, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, đưa toàn bộ tang vật, phương tiện và đối tượng vi phạm về trụ sở UBND thị trấn Mường Xén để làm việc.

Tại cơ quan chức năng, đối tượng Trần Đức Mai khai nhận toàn bộ tang vật nêu trên là do đối tượng nhận mua từ một người đàn ông tên là Hùng, gửi từ thị trấn Đô Lương qua xe hàng, để đi tiêu thụ trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa trong huyện.

Cơ quan Công an huyện Kỳ Sơn đã bàn giao số tang vật vi phạm cho Ban vệ sinh an toàn thực phẩm huyện để tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Cần Thơ: Phát hiện cơ sở sử dụng chất cấm trong bảo vệ thực phẩm

Hơn 10 tấn mỳ sợi thành phẩm cùng 190 lít hóa chất (chất cấm trong sản xuất thực phẩm) làm dai sợi mỳ đã bị Phòng Cảnh sát môi trường (PC49, Công an Cần Thơ) phát hiện và tạm giữ tại một cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, ngày 27/1 Lực lượng Cảnh sát môi trường (PC49, Công an Cần Thơ) tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất mỳ sợi Tân Thành trên đường 30/4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều (Cần Thơ). Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tất cả số mỳ sợ tại cơ sở có pha trộn chất hàn the.

Đại diện cở sở bị kiểm tra, ông Huỳnh Hữu Lộc thừa nhận việc cho hàn the vào mỳ để mỳ dai hơn và bảo quản được lâu hơn.

Chất hàn the theo lực lượng chức năng cho biết, chất này bị nghiêm cấm dùng trong sản xuất thực phẩm vì có thể gây ngộ độc cấp và mãn tính, làm tổn thương thận, rối loạn chức năng… Nguy hiểm hơn, chất này có khả năng gây ung thư.

Sau khi tiến hành kiểm tra, Tổ công tác đã lập biên bản niêm phong, tạm giữ 10 tấn mỳ sợi thành phẩm và hơn 10 thùng dung dịch (190 lít) để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

TP. Hồ Chí Minh mạnh tay quản chặt chất lượng hàng hóa Tết

Để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hàng hóa Tết Mậu Tuất 2018, các sở-ngành tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định sẽ tập trung kiểm tra chất lượng  và quản chặt hàng nhập khẩu khi đưa vào tiêu thụ trên địa bàn.

Tại buổi lắng nghe và trao đổi do Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, nhiều đại biểu của thành phố bày tỏ lo lắng về chất lượng và an toàn thực phẩm trong dịp Tết cổ truyền sắp tới. Các đại biểu đặt ra câu hỏi “Lượng hàng Tết đã ổn định, vậy các đơn vị quản lý an toàn thực phẩm như thế nào để người tiêu dùng an tâm lựa chọn?”

Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố - cho biết, thời gian qua Ban Quản lý đã tiến hành xử lý được một vài vụ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, như: bắt 27 tấn thị heo, gà cấp đông ở huyện Hóc Môn không đảm bảo vệ sinh, bắt một lượng lớn lòng heo tẩy trắng ở quận 12. Hiện Ban Quản lý An toàn thực phẩm đang lên kế hoạch thanh kiếm tra trên diện rộng. Cụ thể sẽ thành lập 12 đoàn thanh tra, tập trung những hàng tươi sống, rau, quả, đồ khô, lạp xưởng...

Mặc dù vậy, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng nhận định, càng gần Tết, tình hình sản xuất, buôn bán hàng hóa càng phức tạp, vi phạm khá tinh vi. Vì vậy, theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục Thú y thành phố, đối với hành vi tiêm thuốc an thần vào heo phải xử lý nghiêm. Phải xem lại quy trình giết mổ heo hiện nay và lắp hệ thống camera tại các lò mổ để các sở ngành cùng giám sát. Chi cục sẽ kiên quyết xử lý các hộ vi phạm giết mổ trái phép, xử lý nặng những trường hợp tiêm thuốc an thần vào lượng heo sắp giết mổ, chất cấm trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, đối với hàng hóa nhập khẩu, ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng Phòng Giám sát Quản lý, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh- cho biết, lực lượng hải quan sẽ tiến hành kiểm tra chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu. Hàng nhập khẩu sẽ được thông quan khi có xác nhận của cơ quan kiểm tra chuyên ngành xác nhận. Theo đó, hàng được thông quan phải đảm bảo an toàn về chất lượng và thời gian. Hơn 1 năm nay hải quan thành phố tổ chức hai địa điểm nhập khẩu tập trung là cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất. Tại hai địa điểm trên, lực lượng liên ngành như: Chi cục Thú y, Viện Y tế công cộng, trung tâm 3,… thường xuyên túc trực để kiểm tra, kiểm soát kỹ chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa. 

Được biết, sau khi thành phố chỉ đạo công tác chuẩn bị hàng Tết, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch cụ thể với lượng hàng hóa cung ứng dịp Tết tăng khoảng 20 - 30% so với ngày thường, với tổng giá trị phục vụ 17.600 tỷ, trong đó các mặt hàng thiết yếu ở mước 7.000 tỷ đồng, chiếm 50% thực phẩm thiết yếu.