Kiểm tra việc cho vay với lãi suất thấp hơn mức huy động

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trước hiện tượng một số tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Ảnh minh họa. Nguồn: vcmedia.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: vcmedia.vn
Trong Công văn số 9312 ngày 10.12, NHNN cho biết, những tháng gần đây, tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng được cải thiện đáng kể. Do đó, đã xuất hiện hiện tượng cạnh tranh lãi suất đầu ra giữa các tổ chức tín dụng. Một số tổ chức tín dụng chấp nhận cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động.

Từ trước tới nay hiếm khi xảy ra việc lãi suất cho vay thấp hơn huy động. Tuy nhiên gần đây, nhiều ngân hàng bị ứ đọng vốn, nếu cho vay liên ngân hàng thì lãi suất quá thấp; nếu giải ngân cho doanh nghiệp thì dù lãi suất cho vay có thấp hơn lãi suất huy động nhưng vẫn cao hơn lãi suất liên ngân hàng, hơn nữa, còn đẩy được tăng trưởng tín dụng. Dẫu vậy, ngân hàng vẫn chịu thiệt hại khi cho vay dưới lãi suất huy động.

Theo lời một lãnh đạo ngân hàng, chỉ có khách hàng tốt mới được vay lãi suất mức đó. Và vì lượng khách hàng tốt ngày càng ít, nên ngân hàng nào cũng muốn giữ khách nên cũng phù hợp nếu có xảy ra hiện tượng trên. Hơn nữa, một số doanh nghiệp tốt cũng đang quay lại ép ngân hàng phải cho vay với lãi suất thấp, nếu không sẽ chuyển sang vay ngân hàng khác. Vì vậy, các ngân hàng sẽ cân đối nguồn tiền, và ưu tiên một phần để cho vay các doanh nghiệp lớn với lãi suất thấp.

Hiện tượng cho vay lãi suất thấp trước đây chủ yếu là ngân hàng lớn, còn ngân hàng nhỏ không thể dùng nguồn vốn hạn hẹp của mình để làm như vậy. Nhưng nay, khi cạnh tranh trở nên khốc liệt và giữ khách hàng thành chuyện sống còn thì các ngân hàng nhỏ cũng phải chấp nhận giảm mạnh lãi suất cho vay. Cũng có luồng phân tích cho rằng, hiện tại nhiều ngân hàng có các gói vay lãi suất thấp hơn lãi suất huy động, nhưng các gói vay này không lớn, lại có thể chỉ giảm lãi suất trong 3 tháng đầu tiên, còn sau đó theo lãi suất thị trường, nên không tác động nhiều đến thu nhập từ lãi của các ngân hàng, mà vì rất nhiều những lý do khác.

Theo nhận định của NHNN, đây là biểu hiện kinh doanh không lành mạnh về mặt tài chính, có thể tạo ra rủi ro cho chính các tổ chức tín dụng. Vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng trên, NHNN yêu cầu Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức tín dụng, với tinh thần chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, cần giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay phù hợp với điều kiện thị trường tiền tệ và năng lực tài chính của tổ chức tín dụng, không cho vay với lãi suất thấp hơn chi phí huy động vốn để tránh xảy ra cạnh tranh thiếu lành mạnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các tổ chức tín dụng.

Công văn trên cũng yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tiền tệ và cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Và cơ quan này cũng phải thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về lãi suất cho vay, huy động vốn của các tổ chức tín dụng để xử lý nghiêm các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng bất lợi đến sự ổn định, lành mạnh của thị trường tiền tệ. Trong quá trình triển khai, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố kịp thời đề xuất, báo cáo NHNN (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) những vấn đề bất thường vượt quá thẩm quyền của chi nhánh.

Đầu tuần này, NHNN vừa công bố một số chỉ tiêu cơ bản về tình hình hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến 31.10.2013 cho thấy, sức khỏe của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố. Thanh khoản được cải thiện tích cực một phần cũng do tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn, thể hiện rõ qua tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động tiếp tục giảm về còn 85,36% từ mức 86,17% của tháng trước. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn hệ thống cũng tiếp tục tăng lên 18,85% từ mức 17,54% tại thời điểm cuối tháng 9. Mặc dù vậy vẫn thấp hơn nhiều giới hạn cho phép 30% của NHNN.

Cũng theo NHNN, tại thời điểm cuối tháng 10, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống giảm nhẹ so với cuối tháng trước về 13,64% từ mức 13,76% tại thời điểm cuối tháng 9. Trong đó tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước là 11,28%; khối ngân hàng thương mại cổ phần đạt 12,63%. Sở dĩ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu giảm nhẹ là do trong tháng, tài sản có tiếp tục tăng trong khi vốn tự có lại giảm.