Kinh doanh đa cấp vi phạm Luật Cạnh tranh

Theo sggp.org.vn

(Tài chính) Sau khi các báo đăng loạt bài về “Ảo mộng hàng đa cấp”, nhiều bạn đọc - chủ yếu là những người đã từng bị cuốn vào cơn lốc bán hàng đa cấp - đã gửi thư góp thêm thông tin và nêu nhiều ý kiến về việc cần chấn chỉnh hoạt động này.

Kinh doanh đa cấp vi phạm Luật Cạnh tranh
Kinh doanh đa cấp vi phạm Luật Cạnh tranh. Nguồn: internet
Lẽ ra hoạt động bán hàng đa cấp đã không là ảo mộng hay ác mộng nếu như các công ty bán hàng đa cấp thực hiện đúng chức năng của nó là mang sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách thông minh và ít tốn kém nhất. Tiếc rằng, ít hay đúng hơn là không có công ty bán hàng đa cấp nào làm đúng với tôn chỉ, mục đích đề ra của ngành nghề mới mẻ, đặc biệt và đang gây nhiều tranh cãi này.

Nếu ai yếu tim thì đừng tham gia hội thảo hay hội nghị giao lưu của các công ty bán hàng đa cấp. Bởi lẽ, đó là nơi sẽ nghe những lời có cánh về sản phẩm, gặp gỡ những nhân vật đã trở thành “đại gia” nhờ loại hình kinh doanh này. Những người đó không biết có thành đạt từ bán hàng đa cấp hay không, nhưng ăn mặc rất sang trọng, được ban tổ chức trân trọng giới thiệu và được những người khác tung hô, chào đón một cách thái quá với nhiều chiêu trò mà chúng ta không thể tưởng tượng được. Rồi sự hăng say quá mức, biểu cảm gào thét, khóc cười… của các diễn giả khiến nhiều người nghe cũng gào thét, la hét theo. Có người còn ngất xỉu. Cách đây vài năm, các buổi hội thảo, hội nghị hay diễn thuyết đó được các công ty bán hàng đa cấp tổ chức tại các sân thể dục thể thao, nhà thi đấu đa năng có mái che, có sức chứa vài ngàn người nhưng nay với sự ồn ào quá mức, lãnh đạo các nơi đó không dám cho thuê mặt bằng. Những lần tổ chức sau này được dời về các trung tâm văn hóa hay hội trường của các phường - xã…

Xét ở khía cạnh nào đó, bán hàng đa cấp rất có lợi cho người tiêu dùng. Đây là hoạt động bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không thông qua đại lý, cửa hàng bán lẻ. Nhờ đó, tiết kiệm được chi phí thuê sân bãi, kho chứa, vận chuyển hàng hóa, khuyến mại, quảng cáo, tiếp thị. Các khoản chi phí tiết kiệm được sẽ được dùng để trả thưởng (hiểu nôm na là hoa hồng) cho nhà phân phối và nâng cấp sản phẩm. Phương pháp tiếp thị dễ nhất là tận dụng chính thói quen của người tiêu dùng, khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tốt thường chia sẻ cho người thân, bạn bè và những người xung quanh. Xưa nay, sản phẩm bán hàng đa cấp quanh đi quẩn lại vẫn là chất bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp…

Cách đây hơn 10 năm, bán hàng đa cấp thâm nhập vào nước ta. Tuy nhiên, do sự mới mẻ của loại hình kinh doanh, nhiều công ty bán hàng đa cấp đã lợi dụng sơ hở của pháp luật, làm ăn gian dối, chú trọng lợi nhuận, vô tình biến một loại hình tốt đẹp trong kinh doanh thành nỗi lo, nỗi ám ảnh của nhiều người. Đó là cho hưởng lợi nhuận theo “hình tháp ảo”. Với hình thức này, lợi nhuận không thực sự xuất phát từ việc giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mà từ việc tuyển dụng (hay dụ dỗ, lôi kéo, thuyết phục) các thành viên mới.

Trong đó, tệ hại nhất là thành viên mới phải mua sản phẩm (với giá đắt gấp nhiều lần giá thực trên thị trường). Người khởi xướng hay phát động hệ thống luôn ở đỉnh tháp và đương nhiên được hưởng lãi suất từ những thành viên mới ở thứ bậc bên dưới. Với giá cả cao ngất ngưởng và sản phẩm có đặc tính “thần dược” một cách mập mờ nên rất khó tiêu thụ. Thực tế, chỉ những người thân trong gia đình hay bạn bè vì trọng nghĩa thương tình mà phải mua để hỗ trợ. Đây rõ ràng là sự lợi dụng và bóc lột những thành viên mới tham gia hệ thống. Người ta gọi đó là bán hàng đa cấp bất chính, bởi lẽ việc kinh doanh như vậy xa rời mục đích, ý nghĩa của bán hàng đa cấp.

Theo quy định tại Điều 48 Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp bị cấm thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp: yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại; cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.

Với quy định rõ ràng như trên và đối chiếu thực tế có thể thấy phần đông các công ty bán hàng đa cấp đều vi phạm và cơ quan chức năng cần có giải pháp chấn chỉnh, xử lý. Thế nhưng, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Sở Công thương và Bộ Công thương ở đâu, sao không chấn chỉnh, xử lý những sai phạm này?

Hàng ngàn người đã vỡ mộng vì tham gia bán hàng đa cấp bất chính và ngậm ngùi rút lui với số nợ phải gánh vác, với số hàng hóa “trời ơi” không thể nào tiêu thụ. Vậy mà vẫn có hàng ngàn người khác mù quáng tiếp tục nghe theo “những lời có cánh” của các đại lý (thực sự cũng là nạn nhân) về sản phẩm, về lãi suất, thu nhập… và tình nguyện lao vào.