Sunhouse "đến từ Hàn Quốc":

Lách luật để quảng cáo gây nhầm lẫn?

Theo Cẩm An/thoibaokinhdoanh

(Taichinh) - Thông điệp quảng cáo của DN sản xuất đồ gia dụng Sunhouse thông qua slogan là "Thương hiệu gia dụng hàng đầu đến từ Hàn Quốc" đang được các chuyên gia nhìn nhận đây là cách quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng (NTD) về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Liệu có phải những quy định thiếu tính cụ thể hiện tạo ra kẽ hở cho DN"lách luật" khi gây mập mờ, nhầm lẫn cho NTD?

Đoàn kiểm tra kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty CP tập đoàn Sunhouse. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn
Đoàn kiểm tra kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty CP tập đoàn Sunhouse. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn

Trong bài viết "Sunhouse "đến từ Hàn Quốc": Định vị đúng thương hiệu?" trên Thời báo Kinh Doanh số 77, ra ngày 4/5 đã phản ánh việc Công ty CP Tập đoàn Sunhouse sử dụng slogan "Thương hiệu gia dụng hàng đầu đến từ Hàn Quốc", hoặc "Đồ gia dụng hàng đầu đến từ Hàn Quốc" để quảng cáo cho các sản phẩm đồ gia dụng mang nhãn hiệu Sunhouse trên các pa-nô, ap-phích quảng cáo hoặc tờ rơi giới thiệu sản phẩm.

"Mập mờ" nguồn gốc?

Theo phản hồi của độc giả tới Thời báo Kinh Doanh, khi tiếp nhận thông tin quảng cáo của DN này, đã nhầm tưởng sản phẩm là của DN Hàn Quốc sản xuất nên lựa chọn mua sản phẩm. Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm mà độc giả này mua lại ghi là "Sản xuất tại nhà máy ở Việt Nam".
Thông tin Thời báo Kinh doanh có được: Công ty CP Tập đoàn Sunhouse đã được cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề cạnh tranh yêu cầu giải trình về nội dung quảng cáo như trên và DN này đã đưa ra đầy đủ các thông tin, giấy tờ liên quan.

Tuy nhiên, nội dung và kết luận của buổi trao đổi giữa hai bên không được tiết lộ, do phải đảm bảo nguyên tắc "bí mật" thông tin, hoạt động của DN. Mọi thông tin và kết luận chỉ được công khai khi có những khiếu nại cụ thể, điều tra và kết luận về vụ việc.

Trong văn bản do Sunhouse trả lời về thông điệp quảng cáo như trên, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT, cho biết hiện DN có 7 công ty thành viên, trong đó có liên doanh với Tập đoàn Sunhouse Hàn Quốc, nên mọi công nghệ sản xuất, quy trình chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm, các linh kiện quan trọng nhất... đều được NK và áp dụng các tiêu chuẩn của Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Sunhouse cũng có khoảng 30% sản phẩm được NK trực tiếp từ Hàn Quốc, còn lại 70% sản phẩm được sản xuất tại nhà máy tại Việt Nam. Do đó, ông Phú cho rằng việc sử dụng slogan truyền thông trên là sự khẳng định về cam kết chất lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt ngang bằng với sản phẩm các nước đã được công nhận là tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhằm nâng tầm cho thương hiệu Việt.

"Đối với Tập đoàn Sunhouse, chúng tôi tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc tìm được đối tác có uy tín để nhập linh kiện, hoặc có quy trình sản xuất theo đúng đăng ký tiêu chuẩn cơ sở tại Việt Nam. Với tất cả các sản phẩm mang thương hiệu Sunhouse, bất kể là sản phẩm được sản xuất trong nước, liên doanh sản xuất với Tập đoàn Sunhouse tại Hàn Quốc, hay NK từ các nhà cung cấp... đều được đăng ký và cam kết về chất lượng và các vấn đề liên quan.

Các sản phẩm của Tập đoàn Sunhouse trong nhiều năm liền được người tiêu dùng bình chọn là "Hàng Việt Nam chất lượng cao" nên với sản phẩm được sản xuất trong nước, bao bì sản phẩm, chúng tôi luôn ghi rõ xuất xứ và luôn sử dụng các kênh thông tin khác", ông Phú nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas), nguyên tắc thông tin về hàng hóa dù qua kênh ghi nhãn hay quảng cáo đều phải chính xác và thống nhất.

Ông Hùng cho rằng nhãn hàng hóa ghi sản xuất tại "Việt Nam", mà quảng cáo lại nói là đến từ "Hàn Quốc" dễ làm cho NTD nhầm lẫn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ Hàn Quốc. Do đó, đại diện của cơ quan bảo vệ NTD cho rằng, dù với bất cứ lý do gì, trong trường hợp thông tin gây nhầm lẫn sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.

Liệu có "lách luật"?

Việc xác định Sunhouse có được quyền quảng cáo như trên hay không phải chờ vào sự thẩm tra của cơ quan chức năng. Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, Luật sư Ngô Văn Hiệp, Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên doanh, cho rằng để xác định nội dung và hành vi quảng cáo của Sunhouse có vi phạm hay không, cơ quan chức năng phải xác định được tỷ lệ nội địa hóa hàng do Sunhouse sản xuất và lưu thông tại thị trường.

Theo đó, tỷ lệ nội địa hóa được hiểu là "tỷ lệ sử dụng các nguyên vật liệu và phụ tùng công nghiệp sản xuất trong nước so với NK". Đồng thời, cũng cần phải căn cứ việc Sunhouse in các thông tin trên bao bì, sản phẩm…

Trường hợp, đối với hóa hàng do Sunhouse sản xuất và lưu thông trên thị trường, nếu xác định được tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 50% thì việc quảng cáo như trên của Sunhouse đã có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo theo quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo. Tuy nhiên, với trường hợp tỷ lệ nội địa hóa thấp và tỷ lệ "ngoại hóa" cao, thì khó có thể xác định DN này có dấu hiệu vi phạm.

Cũng theo Ls. Hiệp, việc Sunhouse sản xuất tại Việt Nam hay Hàn Quốc không quá quan trọng, mà vấn đề là tỷ lệ sử dụng các nguyên vật liệu, phụ tùng, công nghiệp sản xuất đã được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa của Sunhouse chiếm bao nhiêu phần trăm... Song, việc xác định tỷ lệ phần trăm cũng không phải là điều dễ, cần phải có một hội đồng thẩm định dựa trên các tiêu chí, chứng cứ cụ thể.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là Luật Quảng cáo và các văn bản dưới luật hiện cũng chưa quy định chi tiết về các vấn đề trên. Do đó, theo ý kiến của nhiều luật sư chuyên ngành, rất khó để xác định và đánh giá hành vi quảng cáo của Sunhouse là có hay không gây nhầm lẫn về thông tin cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Đây cũng có thể xem là "kẽ hở" khiến cho tình trạng nhiều DN có thể "lách luật" để quảng cáo và đưa thông tin gây "mập mờ", "nhầm lẫn" cho NTD ngày càng phổ biến?!