Lâm trường “ôm” đất để đó, dân không có để giao

Theo Nhân dân Điện tử

Được giao diện tích đất lâm nghiệp rất lớn, nhưng trong những năm qua Lâm trường Ngân Sơn (Bắc Cạn) không quản lý được, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Địa phương kiến nghị cần thu hồi diện tích đất của Lâm trường Ngân Sơn sử dụng kém hiệu quả giao cho người dân trồng rừng.

 Lâm trường “ôm” đất để đó, dân không có để giao
Thường trực Hội đồng Nhân dân Tỉnh phát hiện nhiều bất cập khi giám sát việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp ở huyện Ngân Sơn. Nguồn: Nhandan.com.vn

Người dân thua thiệt

Được giao quản lý, sử dụng 5.147 ha rừng và đất lâm nghiệp ở thị trấn Nà Phặc và các xã Bằng Vân, Đức Vân, Vân Tùng, đến nay Lâm trường Ngân Sơn trồng được 1.138 ha rừng, trong đó vay vốn trồng được 668 ha, diện tích còn lại thông qua các dự án trồng nguyên liệu giấy, PAM, 327, 661 có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

Được giao sử dụng diện tích rất lớn, nhưng do quản lý lỏng lẻo, mốc giới không rõ ràng nên hàng nghìn ha bị người dân địa phương lấn chiếm, Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Ngân Sơn cấp cho nhân dân địa phương quản lý, sử dụng, xây dựng trụ sở xã, trạm y tế.

Sau khi rà soát lại, phát hiện việc giao diện tích đất này trùng với đất lâm trường, năm 2009 UBND huyện Ngân Sơn thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 318 hộ dân để trả lại đất cho lâm trường quản lý. Tuy nhiên, tài sản trên đất này là rừng trồng đến tuổi khai thác, nhưng giữa lâm trường và các hộ dân chưa thống nhất cơ chế hưởng lợi, dẫn đến tranh chấp, người dân vô cùng bức xúc.

Người dân cho rằng, rừng do mình trồng thì mình được hưởng lợi toàn bộ. Còn Lâm trường Ngân Sơn thì cho rằng lâm trường có đất, tổ chức các dịch vụ lâm nghiệp thì phải được hưởng lợi phần nhiều.

Tháng 5/2013, UBND huyện Ngân Sơn và lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Cạn (cấp trên của Lâm trường Ngân Sơn) thống nhất: Đối với diện tích rừng trồng theo dự án PAM thì nhân dân hưởng lợi toàn bộ, còn diện tích rừng được trồng theo các dự án khác thì thống nhất trình UBND Tỉnh xem xét, quyết định. Cuối cuộc họp, không hiểu vì sao phía lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Cạn lại không ký biên bản như đã thống nhất ở trên, vì lý do... chưa được thống nhất trong lãnh đạo.

Người dân đang lo ngại, cho dù cơ chế hưởng lợi như thế nào thì phần thua thiệt vẫn thuộc về phía mình. Không có nhân lực, từ năm 2007 đến nay, Lâm trường Ngân Sơn liên kết với 254 hộ dân trồng 668 ha rừng sản xuất. Khi liên kết trồng rừng với Lâm trường Ngân Sơn, người dân được hưởng công trồng, chăm sóc, bảo vệ hơn năm triệu đồng/ ha, đến khi thu hoạch được hưởng 17% sản lượng gỗ. Mặc dù rừng chưa được khai thác, nhưng người dân cho rằng phần thua thiệt cũng sẽ lại thuộc về phần mình, vì Lâm trường Ngân Sơn là người xác định sản lượng gỗ thu được và giá bán thấp hơn so với thực tế, đồng thời xác định công khai thác, vận chuyển cao nên lâm trường có lợi.

Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn Trần Đình Thất cho rằng, được giao quản lý diện tích đất lâm nghiệp rất lớn, nhưng Lâm trường Ngân Sơn sử dụng không hiệu quả, mỗi năm người dân huyện Ngân Sơn trồng hơn một nghìn ha thì Lâm trường Ngân Sơn trồng được khoảng 100 ha. Hai năm 2012 Lâm trường Ngân Sơn chỉ nộp ngân sách Nhà nước được hơn 30 triệu đồng.

“Ôm” đất quá nhiều, lãng phí lớn

Lâm trường Ngân Sơn hiện nay có 24 cán bộ, nhân viên, chủ yếu làm công tác quản lý, lao động gián tiếp, việc trồng rừng chủ yếu liên kết với người dân, được giao quản lý, sử dụng hơn 5100 ha đất lâm nghiệp. Năm 2007, thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2015, Lâm trường Ngân Sơn được giao 2.020 ha, diện tích còn lại phải trả cho huyện để UBND Huyện giao cho người dân quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế Lâm trường Ngân Sơn không chịu làm các thủ tục trả cho địa phương.

Ngoài việc trồng được hơn 1.100 ha rừng từ trước đến nay, diện tích còn lại không được quản lý, sử dụng có hiệu quả. Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn đề nghị: “UBND Tỉnh chỉ giao cho Lâm trường huyện Ngân Sơn quản lý diện tích đã được phê duyệt là 2.020 ha đủ sản xuất rồi, phần còn lại kiên quyết thu hồi để chúng tôi giao cho nhân dân địa phương trồng rừng theo dự án 147 của Tỉnh, để lâm trường “ôm” hết mà không sử dụng thì lãng phí lắm”. Ông Thất cũng đề nghị, cứ giao đất mà sau 24 tháng không trồng rừng là thu hồi.

Trên địa bàn huyện Ngân Sơn hiện nay nhân dân rất thiếu đất để trồng rừng sản xuất, trong khi đó lâm trường lại giao quản lý diện tích đất lớn, sử dụng không hiệu quả là sự lãng phí lớn. Trồng rừng theo dự án 147 của Ttỉnh, người dân được hỗ trợ toàn bộ cây giống, công trồng, chăm sóc, bảo vệ với số tiền hơn năm triệu đồng/ha, rừng trồng đến khi được khai thác thì người dân hưởng lợi toàn bộ.

Không có đất trồng rừng, người dân phải “làm thuê” cho lâm trường với công trồng, chăm sóc, bảo vệ cũng chỉ hơn năm triệu đồng/ ha, đến khi được thu hoạch thì phần thua thiệt lại thuộc về phía người dân. Do đó, UBND tỉnh Bắc Cạn cần rà soát, kiên quyết thu hồi diện tích mà lâm trường sử dụng không có hiệu quả để giao cho người dân trồng rừng là cần thiết.