Liều cho vay, Agribank mất vốn nghìn tỷ

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Đã có những phi vụ cho vay của Ngân hàng Agribank khiến ngay cả người trong giới cũng ngạc nhiên. Một công ty có vốn điều lệ hơn trăm tỷ đồng, thế chấp bằng tài sản "ảo" nhưng dễ dàng được lãnh đạo Agribank gật đầu, kí duyệt cho vay cả nghìn tỷ đồng. Đó có là bản hợp đồng bình thường?

Liều cho vay, Agribank mất vốn nghìn tỷ
Đã có những phi vụ cho vay của Ngân hàng Agribank khiến ngay cả người trong giới cũng ngạc nhiên. Nguồn: internet
Gần đây nhất, tháng 4/2014, cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã có kết luận điều tra bổ sung về vụ án sai phạm trong hoạt động cho vay xảy ra tại Agribank chi nhánh 6 (TP. Hồ Chí Minh). Đáng chú ý là khoản vay 700 tỷ đồng của Công ty TNHH sản xuất xây dựng thương mại Thanh Phát (vốn điều lệ 150 tỷ đồng) đầu tư dự án cao ốc, biệt thự vườn Thanh Phát có nhiều sai phạm.

Ngân hàng "nhả" tài sản thế chấp?

Do khoản vay này vượt thẩm quyền chi nhánh, ông Hồ Đăng Trung, Giám đốc Agribank chi nhánh 6, đã trình Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank xin nâng hạn mức phán quyết cho vay tối đa đối với Công ty Thanh Phát lên 700 tỷ đồng. Khi ấy, doanh nghiệp chưa có dự án và ngân hàng chưa tiến hành thẩm định tài sản thế chấp. Nhưng tháng 11/2007, Hội đồng quản trị Agribank vẫn đồng ý với đề xuất nâng hạn mức phán quyết này.

Cuối tháng 12/2007, Agribank chi nhánh 6 đã kí hợp đồng tín dụng, duyệt cho Công ty Thanh Phát vay 700 tỷ đồng, thời hạn vay 5 năm, lãi suất 1,15%/tháng. Số tiền giải ngân thực tế là 628 tỷ đồng.

Ngân hàng đã kí 6 hợp đồng thế chấp với tài sản là 25 quyền sử dụng tại TP. Hồ Chí Minh để đảm bảo nợ vay. Trong số này, có tới 22 quyền sử dụng đất là tài sản hình thành trong tương lai, từ vốn vay. Giá trị tài sản được định giá tương ứng hơn 130% dư nợ vay.

Đơn cử, 5 quyền sử dụng đất tại huyện Bình Chánh được định giá tới 361 tỷ đồng, bảo đảm cho dư nợ 271 tỷ đồng. Hơn thế, có tới 5/6 hợp đồng thế chấp không được công chứng, không đăng kí giao dịch bảo đảm.

Tháng 4/2008, ông Dương Thanh Cường, Chủ tịch HĐTV Công ty Thanh Phát, đề nghị ngân hàng cho mượn lại 23 sổ đỏ đang thế chấp (trong 30 ngày) để trình duyệt dự án đầu tư lên UBND TP. Hồ Chí Minh. Sau khi rút được tài sản, công ty liên tục gia hạn, không trả lại tài sản cho ngân hàng.

Thực tế, Cường đã mang 23 sổ đỏ này thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam để vay tiền, cũng không trả nợ cho Agribank. Thậm chí, Cường còn đề xuất rút bớt sổ đỏ, thay đổi tài sản bảo đảm, gán nợ… nhưng đều không thực hiện cam kết trả nợ. Trong khi đó, Công ty Thanh Phát còn nợ Agribank 6 hơn 930 tỷ đồng gồm nợ gốc và nợ lãi (tính đến ngày 30/10/2012).

Kết quả trưng cầu giám định của Ngân hàng Nhà nước xác định: Agribank chi nhánh 6 đã vi phạm nhiều quy định về cho vay của ngân hàng. Cụ thể, sai phạm cho vay dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không thẩm định, tái thẩm định hồ sơ vay, tài sản là 23 quyền sử dụng đất chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Nhất là việc Agribank 6 cho khách hàng mượn lại 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vi phạm quy định về quản lý tài sản bảo đảm, dẫn tới mất tài sản.

Hơn nữa, theo kết quả định giá 25 quyền sử dụng đất, giá trị tài sản tại thời điểm thế chấp chỉ là 163 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giá trị được ngân hàng ghi nhận (hơn 896 tỷ đồng). Cơ quan điều tra kết luận, Giám đốc Hồ Đăng Trung và 2 đồng phạm đã vi phạm quy định cho vay, gây thiệt hại hơn 893 tỷ đồng (tại thời điểm thế chấp).

Những cái "bắt tay" nghìn tỷ

Không riêng vụ án này, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ, cơ quan điều tra liên tục phát hiện, điều tra làm rõ hàng loạt sai phạm trong hoạt động cho vay tại nhiều chi nhánh của Ngân hàng Agribank.
Những cái "bắt tay" của ngân hàng và công ty, khách hàng "ruột" đã khiến hàng loạt lãnh đạo chủ chốt, giám đốc chi nhánh, cán bộ tín dụng… bị khởi tố, bắt giam vì vi phạm quy định cho vay, gây thiệt hại vốn nhà nước hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Phi vụ cho vay "không tưởng", nhận tài sản "ảo" phải kể đến là Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội và chi nhánh Ninh Bình cho Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam (trụ sở tại Ninh Bình) vay hơn 3.099 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng nhận thế chấp bằng toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay, gồm nguyên liệu, thiết bị máy móc, nhà xưởng. Thậm chí, nhận thế chấp cả quyền sử dụng 6 thương hiệu thời trang nước ngoài (được định giá trị tới 70 triệu USD).

Toàn bộ tiền vay đã được Agribank phê duyệt nhanh chóng, giải ngân cho công ty đầu tư dự án nhà máy Luxfashion. Nhưng, quá trình kí kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, quản lý sử dụng vốn vay, báo cáo dư nợ… của ngân hàng có nhiều dấu hiệu bất thường, sai phạm nghiêm trọng.

Kết quả là, chủ doanh nghiệp – người nước ngoài đã "biến mất", nhà máy ngừng hoạt động, để lại khoản nợ lên tới 3.900 tỷ đồng (tính đến đầu năm 2014).

Một điều chưa được làm rõ là việc ngân hàng phê duyệt cho vay, kí hợp đồng tín dụng, tiến hành giải ngân… cho Lifepro vào đầu năm 2012 thuộc trách nhiệm của ai, ngoài cá nhân nguyên Tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân? Bởi thẩm quyền phê duyệt khoản vay có giá trị lớn, lên tới vài nghìn tỷ đồng, sẽ thuộc về Hội đồng quản trị, Hội đồng tín dụng của ngân hàng.

Và trong vụ án tại Agribank chi nhánh 6, câu hỏi về trách nhiệm để xảy ra sai phạm, buông lỏng quản lý dẫn tới cấp dưới cho vay "liều lĩnh", gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vốn nhà nước thuộc lãnh đạo nào của Ngân hàng Agribank vẫn còn bỏ ngỏ?