"Loạn" thu phí dịch vụ ngân hàng

Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, ngay đầu năm nhiều ngân hàng thương mại đã thay đổi các biểu phí nhiều loại dịch vụ khác nhau theo hướng tăng đầu phí lẫn mức thu. Đặc biệt, hàng loạt phí được đưa ra và mỗi nơi thu một kiểu khiến khách hàng không biết đâu mà lần.

"Loạn" thu phí dịch vụ ngân hàng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mỗi nơi mỗi kiểu

So với những năm trước, những ngân hàng thương mại lớn, có thị phần ở mảng dịch vụ thay vì miễn giảm phí, lại đi đầu trong việc tăng phí các dịch vụ. Cụ thể, ngân hàng S. có trụ sở quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh thay đổi biểu phí đối với khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử là 30.000 đồng/quý/người dùng (chưa bao gồm thuế VAT).

Ngân hàng E. ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh cũng vừa điều chỉnh phí nhận tin nhắn thông báo số dư phí tự động 24.000 đồng/tài khoản/số thuê bao/quý/45 tin nhắn. Khách hàng có lượng giao dịch phát sinh tin nhắn trên 45 tin nhắn sẽ thu phí mỗi tin vượt 600 đồng. Đầu tháng 1/2013, ngân hàng B. tăng mức phí thông báo thay đổi số dư tài khoản từ 6.600 đồng lên 12.000 đồng/tháng.

Techcombank cũng thông báo thay đổi phí quản lý tiền tệ và tài trợ thương mại áp dụng từ năm 2013, trong đó một số loại phí tăng lên so với năm 2012.

Một số ngân hàng thương mại lớn khác thông báo chính sách ưu đãi phí dành cho khách hàng VIP có lượng giao dịch lớn, còn khách hàng mới hoặc bình dân với giao dịch trung bình thấp vẫn bị tận thu hàng tháng.

Dạo quanh một vòng các ngân hàng thương mại, có thể thấy ngoài những khoản phí liên quan đến hoạt động tín dụng như phí thẩm định, phí trả nợ trước hạn… tại nhiều ngân hàng còn có nhiều loại phí khác nhau. Chẳng hạn, chỉ riêng về dịch vụ tài khoản thanh toán, Sacombank đã đưa ra 12 loại phí như phí quản lý tài khoản, nộp tiền mặt, rút tiền mặt, chuyển tiền vào tài khoản…

Tương tự, tại các ngân hàng khác cũng có rất nhiều loại phí và mỗi loại phí đều tăng khá cao. Đặc biệt, có nhiều loại phí ngân quỹ trước đây được miễn nay một số ngân hàng thương mại áp phí, như phí đổi tiền mệnh giá lớn lấy mệnh giá nhỏ (0,5%), đổi tiền mệnh giá nhỏ lấy tiền mệnh giá lớn (3,6%), đổi tiền không đủ chuẩn lưu thông (4%)…

Anh Nguyễn Thanh Hà, một khách hàng ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh, cho biết nhiều ngân hàng thương mại đang tận thu khách hàng cá nhân khi áp dụng quy định mở tài khoản có số dư tiền gửi dưới 500.000 đồng/tháng phải chịu phí quản lý tài khoản 10.000 đồng, thậm chí số dư tiền gửi vào tài khoản dưới 50.000 đồng phải chịu phí 5.000 đồng/tháng…

Nhiều ngân hàng thương mại cũng nâng mức thu phí nộp hoặc rút tiền mặt với chủ tài khoản nếu giao dịch ở chi nhánh, phòng giao dịch khác tỉnh, thành phố nơi mở tài khoản. Ngay việc in sao kê mở thẻ, hay in sao kê trên máy ATM cũng bị thu phí.

Cơ hội cho ngân hàng lớn

Theo nhiều chuyên gia, năm 2013 khi tín dụng chưa có nhiều khởi sắc sẽ là cơ hội cho các ngân hàng thương mại gia tăng khoản thu từ dịch vụ. Đặc biệt, từ tháng 3 các ngân hàng thương mại lớn đã có thị phần chủ thẻ ghi nợ nội địa đáng kể như VCB, VietinBank sẽ bắt đầu thu phí dịch vụ rút tiền ATM nội mạng cùng nhiều loại phí khác.

Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại nhỏ và vừa như TienPhongBank, NamABank, VietCapital Bank cũng đánh tiếng sẽ tiếp tục chấp nhận bù lỗ để miễn phí rút tiền nội mạng dành cho thẻ ghi nợ.

Những ngân hàng này đang trong quá trình thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ của mình nên vẫn còn áp dụng chính sách miễn giảm phí.

Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần, sở dĩ các ngân hàng thương mại lớn mạnh dạn thu phí vì họ có mạng lưới ATM lớn, chịu chi phí đầu tư không nhỏ nên phải thu phí để bù lỗ. Bên cạnh đó, với số lượng khách hàng lớn, các ngân hàng này không quá lo lắng về việc khách hàng rời bỏ dịch vụ ngân hàng mình, đồng thời cũng là điều kiện sàng lọc lượng chủ thẻ ảo.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, ngân hàng nhà nước đang đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, nhưng với hàng loạt phí dịch vụ và mỗi ngân hàng thu một kiểu như hiện nay dễ làm khách hàng phản ứng, đôi khi lại có tác dụng ngược, người dân sẽ tìm cách từ chối dịch vụ giao dịch thanh toán qua ngân hàng.

Vì vậy, trước khi tăng thu phí dịch vụ, các ngân hàng thương mại nên giúp khách hàng an tâm, thoải mái khi sử dụng với chất lượng dịch vụ tốt và một mức thu phí hợp lý, minh bạch, không quá tận thu.

Bên cạnh đó, người dân khi quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng nào nên cẩn trọng xem xét kỹ mức phí ngân hàng này quy định, tránh để bị thiệt thòi.

Cũng có ý kiến cho rằng năm qua ngân hàng nhà nước chỉ tập trung thanh tra các hoạt động huy động và cho vay mà chưa chú trọng đến việc thanh tra các ngân hàng thương mại thu phí dịch vụ như thế nào.

Việc thu phí hay không tùy chính sách của mỗi ngân hàng, nhưng ngân hàng nhà nước cũng nên giám sát chặt và áp dụng mức khung khống chế từng lĩnh vực, tránh để các ngân hàng thương mại tự đưa ra phí khác, gây thiệt hại cho khách hàng giao dịch.