Luật hóa việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn càng sớm càng tốt

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Sau khi kêu cứu đến các cơ quan chức năng, 180 công nhân công ty Kyung Sung ViNa (huyện Hóc Môn – TP. Hồ Chí Minh), được hướng dẫn nộp đơn lên TAND huyện Hóc Môn để khởi kiện đòi gần 1 tỉ tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) mà công ty đang nợ. Đến sáng 18/9, các công nhân vẫn tiếp tục nộp đơn khởi kiện, hy vọng đòi lại được đồng tiền do công sức, mồ hôi của mình làm ra, trong khi chủ doanh nghiệp đã “biệt tăm”.

 Luật hóa việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn càng sớm càng tốt
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
“Được vạ, má sưng”

Gặp chúng tôi mới đây, bà Đỗ Thị Mỹ Dung - LĐLĐ Q.8, TP. Hồ Chí Minh - thông báo: “Đã bán tài sản của công ty Vina HaengWoon Industry được 1,9 tỉ đồng. Nhưng chưa biết làm sao để trả cho công nhân đây”.

Gần 5 năm trước, 638 công nhân của công ty Vina HaengWoon Industry (ở Q.8) khi đến làm việc thì “chết đứng” khi biết GĐ công ty đã bỏ đi từ chiều hôm trước, trong khi đang nợ lương, nợ BHXH của công nhân trên 6 tỉ đồng. Đến cuối năm 2008, LĐLĐ Q.8 được ủy quyền của công nhân đã khởi kiện, sau đó TAND TP. Hồ Chí Minh đã lập hội đồng thanh lý tài sản và phải mất 4 năm sau, mới bán được tài sản còn lại của công ty này.

Tuy nhiên, vụ kiện đến nay vẫn chưa được xét xử trong khi công nhân đã tản mát khắp nơi.

“Biết tin đã bán được tài sản của công ty, một số công nhân đã đến hỏi việc trả lương, BHXH, nhưng tòa chưa tuyên án nên chưa biết sẽ dựa vào cơ sở nào để chi trả” - bà Dung âu lo.

Nên tiếp tục hỗ trợ công nhân

Cuối năm 2008, đầu năm 2009, ở một số tỉnh, thành khu vực phía nam, việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn rộ lên, gây lúng túng cho các cơ quan chức năng khi xử lý để bảo đảm quyền lợi của công nhân .

Nguyên nhân là do pháp luật không có quy định về thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp vắng chủ. Vì thế, nhiều doanh nghiệp “chết mà không được chôn”, công nhân thì khốn đốn.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 30/2009/QĐ-TTg “Về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế”. Theo đó, UBND tỉnh, thành ứng ngân sách địa phương để trả lương cho người lao động bị mất việc làm tại doanh nghiệp có chủ bỏ trốn. Nguồn tạm ứng này được hoàn trả từ nguồn thu khi xử lý tài sản của DN, nếu không đủ thì báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Nhờ quyết định này, hàng ngàn công nhân LĐ đã được hỗ trợ, vượt qua khó khăn. Tiếc rằng, quyết định này chỉ áp dụng với những trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong năm 2009, nên sau đó, hàng chục ngàn LĐ khác rơi vào hoàn cảnh tương tự, không nhận được sự trợ giúp nào.

Đến ngày 24.9.2012, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp tục có văn bản số 1490/TTg-KTVX về việc hỗ trợ người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp bị mất việc làm trong doanh nghiệp có chủ bỏ trốn với tinh thần như Quyết định 30/2009/QĐ-TTg. Nhưng theo khảo sát của chúng tôi, đến nay, việc thực hiện chỉ đạo này cũng chẳng được bao nhiêu.

Ông Nguyễn Thanh Sang - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh - kiến nghị: “Tình hình hiện nay cũng giống như năm 2009 và năm 2012, rất nhiều công nhân lâm vào cảnh khó khăn. Mong các cơ quan chức năng có giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ cho công nhân , tránh để họ thiệt thòi”.

Cần có quy định cụ thể

Bà  Bùi Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh - nói: “Khi chủ doanh nghiệp bỏ đi, mình cũng không biết dựa vào đâu, luật nào để nói họ “bỏ trốn”, xử lý thế nào cho đúng”.

Luật gia Trần Phi Đại - công ty luật Thiện Việt, TP. Hồ Chí Minh - phân tích, đến nay, mới chỉ có Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn là doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền xác định.

Thế nhưng, người đại diện hợp pháp vắng mặt bao nhiêu lâu thì mới được coi là “không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động” thì lại không có quy định. Giả sử, họ đi đâu 6 tháng, trong thời gian đó, cơ quan chức năng xử lý tài sản của doanh nghiệp trả nợ lương, BHXH cho công nhân , khi họ quay về biết ăn nói làm sao? Điều này gây khó khăn cho địa phương khi xử lý tài sản của doanh nghiệp để thanh toán tiền nợ lương, BHXH cho công nhân .

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đinh Khắc Thiều - Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - kiến nghị: “Cần luật hóa cụ thể việc bỏ trốn của chủ doanh nghiệp càng sớm càng tốt. Chẳng hạn, từ khi phát hiện chủ doanh nghiệp vắng mặt, các cơ quan chức năng đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, sau một tháng, mà chủ doanh nghiệp vẫn không có mặt thì được xem như là đã bỏ trốn. Lúc đó, các cơ quan chức năng được quyền xử lý tài sản để trả nợ lương, BHXH cho công nhân ”.

Cần luật hóa biện pháp xử lý đối với chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Về dân sự, cần xác định cơ quan nào được quyền tuyên bố chủ doanh nghiệp bỏ trốn, quyền xử lý tài sản của DN, thời hạn xử lý tài sản và hoàn trả tiền nợ lương, nợ BHXH cho người lao động; miễn quyền khiếu nại, khởi kiện của doanh nghiệp có chủ bỏ trốn. Về hình sự, cần xử lý đối với chủ doanh nghiệp bỏ trốn nếu có hành vi cố ý làm trái quy định pháp luật... (Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng Luật Tín nghĩa, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh)