Luật sư "mổ xẻ" đại án ngành ngân hàng của siêu lừa Huyền Như

Theo doisongphapluat.com

(Tài chính) Luật sư Hoàng Đôn Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh làm rõ “đại án” tham nhũng thực chất đằng sau vụ án này.

"Siêu lừa" Huyền Như đã chiếm đoạt gần 5.000 tỷ đồng. Nguồn: internet
"Siêu lừa" Huyền Như đã chiếm đoạt gần 5.000 tỷ đồng. Nguồn: internet

Về vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, công luận đưa nhiều tin, bài về thủ đoạn của “nữ quái” này gắn liền với các sai phạm của các cá nhân và tổ chức khác gửi tiền tại Ngân hàng Công Thương dẫn đến bị chiếm đoạt.

Luật sư Hùng cũng cho rằng, vụ án này được coi là một trong những vụ án tham nhũng trọng điểm, được Ban chống tham nhũng trung ương, Ban Nội chính giám sát và chỉ đạo chặt chẽ. Mục tiêu của chống tham nhũng nhằm xử lý những người có chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi; đồng thời chấn chỉnh, hoàn thiện hệ thống quản lý, xử lý nghiêm các hành vi tạo điều kiện cho tham những phát triển, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu.

Các câu hỏi phải trả lời trong quá trình chống tham nhũng là: Ai tham nhũng, tham nhũng ở đâu, ai giúp sức cho tham nhũng, cơ chế quản lý để phát sinh tham nhũng là gì, người đứng đầu chịu trách nhiệm là ai, tiền tham nhũng đi đâu, dùng vào việc gì, chia cho ai, làm thế nào để thu hồi tối đa.

Huyền Như thoát tội tham nhũng, Ngân hàng Công Thương không bị thiệt hại, không chịu trách nhiệm với người gửi tiền, người đứng đầu Ngân hàng Công Thương, cấp ủy Đảng tại Ngân hàng Công Thương không phải chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng xảy ra tại đơn vị mình. Hệ thống quản lý tại Ngân hàng Công Thương không cần thiết phải chấn chỉnh.

Là Giám đốc phòng giao dịch, Huyền Như lợi dụng chính chức vụ quyền hạn của mình trong việc kiểm soát, xét duyệt các lệnh chi của khách hàng để lập chứng từ giả, chiếm đoạt tiền gửi tại ngân hàng.

Đây là hành vi lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi, có dấu hiệu của tội tham ô tài sản, thuộc nhóm tội tham nhũng.

Qua nội dung Kết luận điều tra, Cáo trạng, với thời gian 18 tháng liên tục, với các thủ đoạn không hề mới là giả chứng từ, với số lượng đến hơn 300 lần, với số tiền bị chiếm đến gần 5.000 tỷ đồng, có thể thấy hệ thống hạch toán, kế toán, kiểm tra, kiểm soát, quản trị rủi ro của Ngân hàng Công Thương lỏng lẻo đến mức bất thường, hầu như không có tác dụng nếu có bất cứ một cán bộ nào đó như Huyền Như tại Ngân hàng Công Thương có ý định thực hiện việc chiếm đoạt tiền gửi tại đây.

Thêm vào đó, nhiều cán bộ, ở nhiều đơn vị, nhiều khâu khác nhau của Ngân hàng Công Thương bất chấp pháp luật, không làm đúng chức trách của mình, đã đồng phạm hoặc tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tiền.

Luật sư Hoàng Đôn Hùng đặt câu hỏi,  liệu kết quả xử lý vụ án Huyền Như cho đến nay đã thỏa đáng, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, của công luận?

Luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh): Cần xác định tính chất các khoản vay

Theo các thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, ban đầu có thể xác định hành vi của bà Huỳnh Thị Huyền Như có dấu hiệu phạm vào một trong hai hoặc cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Hai tội này cùng mục đích là chiếm đoạt tài sản nhưng khác nhau ở thủ đoạn gian dối xảy ra ở thời điểm nào.

Cụ thể, nếu bà Như dùng bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng với các giấy tờ thế chấp giả, cũng như dùng sổ cổ đông/giấy chứng nhận cổ phiếu giả để người cho vay tiền tin rằng đó là thật, từ đó họ tin tưởng cho vay/mượn tiền thì đó là hành vi lừa đảo. Còn sau khi bà Như yêu cầu vay/mượn và nhận tiền xong, khi chủ nợ đòi, bà Như giao các giấy tờ giả để thể hiện khả năng có thể trả được nợ, nhưng sau đó không trả được nợ, đó là hành vi lạm dụng tín nhiệm. Những hành vi này sẽ bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, những người bị hại cũng nên xem kỹ lại quan hệ với bà Như. Bởi không phải toàn bộ số tiền vay/mượn mà bà Như đã nhận đều là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, mà trong đó có thể có những khoản tiền chỉ là quan hệ giao dịch dân sự. Đó là các trường hợp thỏa thuận mượn tiền hoặc vay tiền lấy lãi với bà Như dựa trên sự tín chấp; hoặc vay/mượn tiền bằng giấy tờ rõ ràng, có định ngày trả, không có tài sản giả thế chấp.

Ngoài ra có thể xem xét đến các quan hệ hợp tác kinh doanh giữa bà Như với những người giao tiền cho bà nhằm cùng thực hiện dịch vụ cho vay đáo hạn. Trường hợp bà Như chứng minh có thực hiện dịch vụ đáo hạn, có người thật, việc thật và những người này giao tiền nhằm hợp tác làm dịch vụ đáo hạn thì cũng chỉ là các quan hệ dân sự. Nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm hại, họ chỉ có thể khởi kiện vụ án dân sự đối với bà Như.

Luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh): Quan hệ giao dịch nhiều rủi ro

Trường hợp này có thể xem là bài học đắt giá trong các quan hệ giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại trong đời sống xã hội. Xuất phát từ nhu cầu tâm lý ham lãi suất cao, cho vay với lãi suất lên đến 7-8%/tháng cộng với sự “bảo đảm” bằng uy tín cá nhân, trả lãi sòng phẳng trong những tháng đầu, đã tạo nên sự mất cảnh giác của các nạn nhân.

Dưới góc độ pháp lý, việc vay mượn nợ với lãi suất cao như trên hoàn toàn không phù hợp quy định pháp luật. Vì theo quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

Việc cho vay mượn với lãi suất cao dựa trên sự quen biết, uy tín, tin tưởng lẫn nhau mà không tiến hành việc công chứng hợp đồng vay, thế chấp bảo lãnh tài sản, đã chứa đựng nhiều rủi ro không thể lường hết đối với tài sản giao dịch. Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán việc quản lý, tạo ưu đãi tối đa cho khách hàng trong quá trình hoạt động kinh doanh, dù là khách hàng VIP, cũng đều phải tuân thủ các quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hành vi của bà Huỳnh Thị Huyền Như qua các thông tin được đăng tải trên báo chí đã có nhiều dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thuộc trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.