Mạnh tay với vi phạm

Theo daibieunhandan.vn

Theo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10, QH Khóa XIII, doanh nghiệp có hành vi chiếm đoạt tiền BHXH, ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động có thể bị xử lý hình sự, phạt tù từ 2 - 10 năm.

 Số nợ BHXH bắt buộc tập trung lớn ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm gần 9% số phải thu và trên 60% tổng số nợ. Nguồn: daibieunhandan.vn
Số nợ BHXH bắt buộc tập trung lớn ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm gần 9% số phải thu và trên 60% tổng số nợ. Nguồn: daibieunhandan.vn

Theo Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam Điều Bá Được, đây được coi là biện pháp mạnh nhất từ trước tới nay đối với hành vi chiếm đoạt tiền BHXH của người lao động bởi trước đây, hành vi này chỉ bị xử lý hành chính. Biện pháp nghiêm khắc này nhằm để hạn chế tình trạng trốn, chậm đóng, chiếm dụng tiền BHXH, ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.

Cụ thể, theo Điều 214 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định người nào thực hiện một trong các hành vi như chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đối với những trường hợp chiếm đoạt có tính tổ chức, chuyên nghiệp và chiếm đoạt từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng cho BHXH có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Trường hợp nặng nhất, theo Điều 214, nếu người nào chiếm đoạt tiền BHXH hoặc gây thiệt hại cho BHXH số tiền trên 500 triệu đồng có thể bị phạt tù từ 5 đến 10 năm. Đồng thời, những người vi phạm có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Bên cạnh đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng quy định đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Đơn cử, người nào có nghĩa vụ đóng các loại bảo hiểm này cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm trong trường hợp trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 đến dưới 50 người lao động.

Kết sổ 31.12.2015 của BHXH Việt Nam, nợ BHXH bắt buộc là 5.692 tỷ đồng, bằng 3,8% tổng số phải thu, giảm 1,4% so với năm 2014 - tương ứng với số nợ giảm 936 tỷ đồng. Số nợ BHXH bắt buộc tập trung lớn ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm gần 9% số phải thu và trên 60% tổng số nợ.

Nếu phạm tội ở mức nghiêm trọng hơn như vi phạm 2 lần, trốn đóng từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, trốn đóng cho 50 đến 200 lao động, hoặc đã thu của người lao động nhưng không đóng BHXH có thể bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nghiêm trọng nhất đối với tội danh này có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm và nộp phạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng nếu trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên và không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.

Đây là một trong những biện pháp mạnh tay đối với các hành vi chậm, trốn đóng, chiếm đoạt tiền BHXH của người lao động. Từ trước tới nay, đã có rất nhiều vụ vi phạm như chủ doanh nghiệp là người nước ngoài trốn đóng hàng tỷ đồng tiền BHXH sau đó bỏ trốn; hoặc doanh nghiệp phá sản, nợ đọng và chiếm đoạt tiền BHXH sau khi đã trích tiền đóng BHXH của người lao động. Tình trạng trầm trọng đến mức, nhiều ĐBQH đã phải ví von người lao động đang trở thành con tin trong tay doanh nghiệp.