Mỹ phẩm giả, độc hại thật!

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Gần đây, hàng loạt vụ kinh doanh mỹ phẩm giả, độc hại bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ số lượng lớn trên thị trường Tp.HCM, đã tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động vấn nạn này. Cơ quan chức năng cần làm gì để ngăn ngừa?

Cơ quan chức năng thu giữ hàng tấn mỹ phẩm giả của Công ty mỹ phẩm Huyền Trang. Nguồn: internet
Cơ quan chức năng thu giữ hàng tấn mỹ phẩm giả của Công ty mỹ phẩm Huyền Trang. Nguồn: internet

Trung tuần tháng 7 vừa qua, Công an Tp.HCM đã triệt phá đường dây kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm nhập lậu quy mô lớn của Công ty mỹ phẩm Huyền Trang (do bà Phạm Huyền Trang, 46 tuổi, trú tại quận I, Tp.HCM làm chủ), thu giữ đến 5 tấn mỹ phẩm giả mang các nhãn hiệu mỹ phẩm Sasaki, Hikato và Puroz tại một kho hàng ở quận 6.

Theo điều tra, tuy có đăng ký thương hiệu cho một số sản phẩm sữa tắm trắng da nhưng công ty Huyền Trang không sản xuất mà chỉ nhập hàng từ Trung Quốc về, sau đó dán nhãn mác đề xuất xứ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… rồi bán ra thị trường Tp.HCM và các tỉnh lân cận.

"Đội lốt" mỹ phẩm Nhật

Ngoài ra, công ty này còn nhận đặt mặt hàng kem trắng da ghi xuất xứ Nhật Bản, Hàn Quốc tại công ty TNHH SXTM mỹ phẩm Phú Thịnh (trụ sở tại huyện Bình Chánh, Tp.HCM). Khi công an kiểm tra chi nhánh của Công ty Phú Thịnh trên đường Võ Văn Kiệt (quận 6) thì phát hiện không có dây chuyền sản xuất hay máy móc hiện đại nào để sản xuất mỹ phẩm.

Kem dưỡng da, làm trắng da các loại ở đây vốn có nguyên liệu được mua từ chợ hoá chất Kim Biên và mua trôi nổi trên thị trường, sau đó nấu thủ công trong nồi lẩu điện, quậy đều bằng một chiếc vá, tiếp đó đổ ra ca inox rồi chiết vào các vỏ hũ bằng nhựa có sẵn, sau đó dán nhãn mác bắt mắt, dùng máy sấy tóc ép màng co đưa đi tiêu thụ. Giá gia công mỗi sản phẩm chỉ vài chục ngàn nhưng khi Công ty Huyền Trang tung ra thị trường mang các nhãn hiệu cao cấp sẽ có giá vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.

Hành vi của công ty Huyền Trang thực tế chỉ là một điển hình nhỏ trước tình trạng hàng Tàu "đội lốt" mỹ phẩm Nhật, Hàn Quốc được bày bán tràn lan như hiện nay ở thị trường Tp.HCM với chiêu thức: Hàng mang tiếng nhập khẩu từ nước ngoài nhưng toàn là hàng Trung Quốc hoặc sản xuất chui rồi gắn nhãn mác nổi tiếng. Bên cạnh đó, còn có khá nhiều cơ sở bán mỹ phẩm nhập lậu các sản phẩm làm đẹp, mỹ phẩm giả từ Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc về Hà Nội và sau đó tuồn vào Tp.HCM tiêu thụ..

Theo thống kê của của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, cơ quan chức năng cả nước đã thu giữ 590.673 chai, hộp, gói và gần 16 tấn mỹ phẩm giả, kém chất lượng. Trong đó, chỉ riêng dầu gội đầu, dầu xả, dưỡng tóc giả và kém chất lượng, cơ quan chức năng thu giữ hơn 19.000 chai, hộp; hơn 381.000 gói và 120kg.

Riêng trên địa bàn Tp.HCM, từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã lập biên bản 121 vụ kinh doanh mỹ phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa, công bố sản phẩm, đăng ký kinh doanh..., tại các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại, tịch thu 58.524 sản phẩm mỹ phẩm các loại, ghi xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật, Pháp…

Thực tế cho thấy, mỹ phẩm giả có thể "lộng hành" trên thị trường Tp.HCM do nhu cầu sử dụng tăng cao, lại có giá mềm hơn rất nhiều so với giá chính hãng. Mỹ phẩm giả hiện nay đa phần là các sản phẩm dưỡng da, làm trắng da, giảm béo... vốn là các sản phẩm hiện đang được các phụ nữ thích dùng nhất.

Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả là mua nguyên liệu, vỏ hộp, vỏ lọ và bột kem… trôi nổi mang về pha chế, đóng vào lọ mỹ phẩm mang nhãn hiệu ngoại rồi bán tại các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện, cơ sở massage…

Đa phần các đối tượng sản xuất mỹ phẩm giả thường mua nguyên liệu như các loại kem, hoá chất ở chợ Bình Tây (quận 6), Kim Biên (quận 5) rồi trộn chung với nhau tạo thành sản phẩm kem trắng da các hiệu như: Snow white, Snow girl, Queen perfect, Cabeller, Onalyss... hoặc các thương hiệu nổi tiếng như : LOreal, Maybelline hay Chanel… ghi xuất xứ Thái Lan, Anh, Nhật, Pháp, Hàn Quốc...

Qua kiểm tra của lực lượng QLTT Tp.HCM cho thấy có khá nhiều "lò" sản xuất mỹ phẩm giả chỉ đơn giản được đặt trong phòng trọ, nhà vệ sinh, nhà kho... rất mất vệ sinh.

Và tác hại từ mỹ phẩm giả dường như chưa thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho người sử dụng. Mỹ phẩm giả ảnh hưởng trực tiếp tới làn da và sức khỏe, thậm chí tính mạng của người sử dụng.

Độc hại, vẫn tồn tại?

Một chuyên gia mỹ phẩm cho rằng các loại mỹ phẩm được chế biến theo kiểu thủ công chắc chắn sẽ không bảo đảm vệ sinh, dễ bị nhiễm vi sinh. Chưa kể, với những dụng cụ sản xuất không phù hợp, sản phẩm rất dễ bị nhiễm chì, thủy ngân cùng nguyên liệu không rõ ràng, nguy hiểm cho người sử dụng.

Do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, đã có không ít người trở thành bệnh nhân của các chuyên khoa da liễu. Không chỉ mỹ phẩm giả, các loại mỹ phẩm chứa chất bảo quản có thể gây ung thư cũng đang tràn ngập trên thị trường cũng đáng báo động.

Theo Cục quản lý dược – Bộ Y tế, từ ngày 30/7 tới, sẽ áp dụng lộ trình hạn chế lưu hành một số chất bảo quản sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm. 5 loại dẫn chất của paraben gồm: isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben chỉ được phép có mặt trong mỹ phẩm lưu hành trên thị trường Việt Nam.

Hiện tại, có khoảng 22.000 loại mỹ phẩm đang lưu hành trên thị trường chứa 5 loại dẫn chất của paraben sẽ bị ngừng lưu hành từ ngày 30/7 sau khi có thông tin các chất này gây ra căn bệnh ung thư vú ở phụ nữ và vô sinh ở nam giới. Rõ ràng, nếu cơ quan chức năng không hậu kiểm chặt chẽ, người tiêu dùng sẽ còn dùng hóa chất độc hại này trong thời gian tới.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, tỷ lệ các cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả tái phạm có xu hướng tăng. Có trường hợp sau khi bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép hoạt động vì sản xuất mỹ phẩm giả, chỉ một tháng sau lại tiếp tục hoạt động với tên gọi khác.

Một nguyên nhân khác khiến cho mỹ phẩm giả còn tràn lan là lợi dụng việc cho phép cá nhân tự công bố sản phẩm, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm do cơ sở của mình sản xuất (cơ quan quản lý không khảo sát, không thẩm định trước về cơ sở, trang thiết bị, năng lực của cơ sở sản xuất đó), dẫn đến việc các cơ sở sản xuất mỹ phẩm nhỏ lẻ ra đời ồ ạt. Hậu quả là thị trường tràn lan các mỹ phẩm kém chất lượng, độc hại.

Hiện nay, lại có tình trạng các đối tượng kinh doanh mỹ phẩm giả còn lợi dụng mạng xã hội để rao bán trên các shop bán hàng trực tuyến, ai mua thì giao tận nhà, khiến cơ quan chức năng càng khó kiểm soát.

Trước thực trạng nêu trên, trong cuộc chiến chống mỹ phẩm giả,các cơ quan chức năng Tp.HCM cần quyết liệt hơn nữa, tiếp tục đánh mạnh vào các đường dây sản xuất mỹ phẩm giả, xử lý thích đáng các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tăng cường xử lý nghiêm các cơ sở tàng trữ, kinh doanh mỹ phẩm giả…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Tp.HCM là địa bàn trọng điểm. Các lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên thị trường; chú trọng kiểm tra chất lượng hàng hóa, xử lý nghiêm hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm chất lượng; chủ động kiểm tra điều kiện kinh doanh, giấy phép, mặt bằng, niêm yết giá... Lực lượng Công an làm tốt công tác nắm tình hình, tổ chức đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.