Năm 2018, nhiều biện pháp mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Theo Mai Ka/bcd389.gov.vn

Sáng ngày 31/1/2018, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có buổi Họp báo thông tin về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018.

Họp báo thông tin về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018. Nguồn: Internet
Họp báo thông tin về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018. Nguồn: Internet

Phát biểu tại Họp báo, Chánh Văn phòng Thường trực ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho rằng, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều thuận lợi cơ bản như: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị; các quy định pháp luật ngày càng được hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng được phân định rõ rang, và sự phối hợp ngày càng chặt chẽ…

Tuy nhiên, theo ông Đàm Thanh Thế  công tác này còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Yêu cầu về cải cánh thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy trình kiểm tra, kiểm soát nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp; phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng ngày càng tinh vi, một số quy định pháp luật còn chưa phù hợp thực tiễn, tạo kẽ hở cho cá nhân, tổ chức vi phạm ...

Trong năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sự cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng trong đó cơ quan truyền thông có vai trò hết  sức quan trọng, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ  đề ra. Đó là: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành kịp thời nhóm mặt hàng trọng điểm như: Kế hoạch chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 và nhiều kế hoạch khác...

Đặc biệt, tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời chú trọng nâng cao nhận thức, vận động người dân, doanh nghiệp và huy động toàn xã hội tham gia vào công tác này. Do đó, đã  nhận diện, phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả  đạt hiệu quả cao hơn năm trước, cụ thể: Theo thống kê năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 226.000 vụ việc vi phạm ( tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp NSNN đạt hơn 23.000 tỷ (tăng 7,17% so với cùng kỳ năm 2016), khởi tố 1.637 vụ (tăng 4,87% so với năm 2016), 2.118 đối tượng (tăng 13,69 % so với năm 2016).

Với kết quả tích cực trên, Ban Chỉ đạo đã góp phần cùng Chính phủ hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội đã đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, an ninh trật tự ổn định… góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, thẳng thắn thì những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự đáp ứng mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp từ biên giới vào nội địa cả về quy mô, tính chất. Những tồn tại này gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đe dọa sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội...

Đáng chú ý, việc xử lý sai phạm của một số tập thể, cá nhân để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài chưa nghiêm, còn nể nang, né tránh... Việc các định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng nơi để xảy ra vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại chưa được thực hiện triệt để,... Những tồn tại trên đã hạn chế đến kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

2018 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chúng ta đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn đặt ra nhiều tiềm ẩn, khó khăn và thách thức.

Trong bối cảnh tình hình đó, đặt ra cho lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhiệm vụ  nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm hơn, nỗ lực  hơn, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra, vì vậy, tại Hội nghị trực tuyến ngày 29/1/2013  Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng một số nội dung sau:

Thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Bộ, ngành, địa phương mình năm qua; xác định rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ đó đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác thời gian tới.

Triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó tập trung vào: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/năm 2015 của Chính phủ và Quyết định 05/QĐ-BCĐ của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ngày 23/9/2015.; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Các kế hoạch chuyên đề như: Kế hoạch số 410/KH-BCĐ389 về tăng cường  đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Kế hoạch 1239/KH-BCĐ389 về tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; Kế hoạch 1237/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trươc, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Quyết định số 1219/QĐ-BCĐ389 ngày 05/12/2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thực hiện Tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Quyết định số 01/QĐ-BCĐ ngày 04/1/2018 về chế độ thông tin, báo cáo trực tuyến của Ban chỉ đạo 389 quốc gia.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các Bộ, ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản quy phạm pháp luật  không còn phù hợp liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt là các sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới.

Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch công tác năm 2018 với các giải pháp phù hợp thực tiễn; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo lực lượng Hải quan, lực lượng Thuế tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn trọng điểm nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tập trung vào các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để vi phạm như: chính sách tạo thuận lợi thương mại thông qua triển khai thủ tục hải quan điện tử để gian lận về xuất xứ, gian lận về mã, số lượng, trọng lượng, chủng loại hàng hóa; hàng hóa chuyển cảng, chuyển cửa khẩu vận chuyển độc lập hàng hóa từ các cửa khẩu cảng biển về ICD; Công tác chống thất thu thuế, giám sát việc kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế...

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ngoài những chức năng, nhiệm vụ được giao cần tập trung: Chủ động nắm bắt tình hình, nhận diện các hành vi vi phạm, kịp thời tham  mưu cho trưởng ban chỉ đạo, điều hành, trước mắt phối hợp Văn phòng Chính phủ hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Tăng cường các đoàn kiểm tra công khai, bí mật để giám sát hoạt động thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng, nhằm phát hiện, đề xuất Lãnh đạo Ban Chỉ đạo xử lý  hành vi thiếu tinh thần trchs nhiệm, bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Kịp thời hướng dẫn, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; quá trình thực hiện các kế hoạch chuyên đề các địa phương cần nắm tình hình, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá và báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để có chỉ đạo kịp thời, đạt hiệu quả cao nhất

Thường xuyên phối hợp các Bộ ngành, địa phương, lực lượng chức năng tọa đàm, hội thảo để nhận diện các phương thức, thủ đoạn, mặt hàng trọng điểm… từ đó đề ra các biện pháp nâng cao hiệu quả trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chủ động nghiên cứu, phối hợp,  trao đổi với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng chức năng trong và ngoài nước để thảo luận, đánh giá tồn tại, khó khăn, trên cơ sở đó phối hợp các lực lượng chức năng xây dựng, triển khai thực hiện một số chuyên đề, kế hoạch trọng tâm theo nhóm mặt hàng và địa bàn trọng điểm... mặt khác chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức tập huấn đào tạo chuyên ngành cho lực lượng chức năng.

Tiếp nhận, quản lý, xử lý hiệu quả thông tin đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương; duy trì làm tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tham mưu, hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.