Ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Thu Minh

Trong 5 năm qua, bảo hiểm xã hội các địa phương đã chủ động phối hợp với cơ quan công an trong phòng chống tội phạm, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, để tăng cường hơn nữa hiệu quả xử lý, đòi hỏi 2 ngành bảo hiểm xã hội và Công an cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực hiện Quy chế phối hợp giữa bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát, 5 năm qua, BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; phối hợp với Công an và các cơ quan có liên quan ở địa phương thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị…

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, sau 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXH giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát, đã phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), góp phần đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, việc phối hợp giữa hai Ngành có thời điểm chưa được thường xuyên và toàn diện, còn chưa được chặt chẽ, nhịp nhàng. Trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, mới chỉ tập trung ở các đơn vị sử dụng lao động, có số nợ đọng lớn kéo dài và có dấu hiệu lạm dụng chế độ thai sản. Đến nay, vẫn còn 5 tỉnh, thành phố cơ quan BHXH và cơ quan Công an chưa thực hiện ký kết Chương trình phối hợp.

Những hạn chế trong quá trình phối hợp đã dẫn đến việc trao đổi thông tin hoặc cung cấp hồ sơ về tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT chưa được kịp thời, chưa tập trung, dẫn đến vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN xảy ra quá lâu, chưa được phát hiện, giải quyết.

Đánh giá thực tiễn, Trung tướng Trần Văn Vệ - Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho rằng, các lực lượng được giao nhiệm vụ, đặc biệt là lực Cảnh sát kinh tế phải làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, tập trung vào những khâu, những quy trình dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực; coi thông tin dư luận xã hội, thông tin do các cơ quan báo chí, truyền thông cung cấp là một kênh quan trọng hỗ trợ cho lực lượng Cảnh sát kinh tế trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc.

Ngày 04/8/2017, tại TP. Huế, BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp (2012-2017) và ký quy chế phối hợp giai đoạn 2017 – 2022. Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, lãnh đạo 2 Ngành đã thẳng thắn, trao đổi để đưa ra những giải pháp khắc phục; Xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp cho phù hợp với nhiệm vụ tình hình mới.

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, làm rõ những tồn tại, hạn chế sau 05 năm thực hiện quy chế phối hợp, BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát thống nhất nội dung Quy chế trong giai đoạn mới được ký kết. Theo đó, điểm nhấn được 2 Ngành thống nhất triển khai trong giai đoạn tới, đó là bổ sung các hoạt động phối hợp phòng, chống các loại tội phạm, phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình, nội dung phối hợp với Công an địa phương để đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

Bên cạnh đó, Tổng cục Cảnh sát triển khai các biện pháp nghiệp vụ để thông báo kịp thời cho BHXH Việt Nam về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN...