Ngân hàng kẹt trong cuộc đua "xiết nợ" đại gia

Theo VnExpress

Hết đua huy động vốn, cho vay rồi phát hành thẻ, nay kinh tế khó khăn, các nhà băng còn phải nhảy thêm vào cuộc đua mới - tranh nhau làm "người đến trước" trong những vụ đòi nợ mà tài sản thế chấp bị đặt ở năm, bảy nơi.

 Ngân hàng kẹt trong cuộc đua "xiết nợ" đại gia
Các ngân hàng cử nhân viên bảo vệ túc trực tại kho xưởng của đại gia cà phê Trường Ngân. Nguồn: Vnexpress.net

Khi kinh tế suy thoái cũng là lúc khái niệm "đại gia" trở nên mong manh hơn bởi hàng loạt doanh nghiệp từ chỗ hoành tráng, mau chóng rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí cận kề phá sản. Tài sản được cho phép thế chấp tại nhiều ngân hàng vay vốn, nay trở nên phức tạp đối với những chủ nợ đi đòi. Những câu chuyện 5-7 ngân hàng cùng nhau đi đòi một doanh nghiệp không còn hiếm.

Năm ngoái, câu chuyện Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) của đại gia Phạm Thị Diệu Hiền (Cần Thơ) từng là tâm điểm của câu chuyện đòi nợ. Cùng một lúc, 4 nhà băng là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (đại diện mới cho Habubank sau khi sáp nhập), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Á Châu (ACB) đều tuyên bố có liên quan tới 25 triệu cổ phần Bianfishco mà bà Hiền đem tới cầm cố. Hành trình giải chấp số cổ phần này của Bianfishco phải kéo dài trong nhiều tháng bởi cứ vài hôm lại có thêm một ngân hàng lên tiếng "có liên quan". Trong khi mọi sự việc nợ nần được công bố và các chủ nợ đang nóng lòng truy đòi thì bà chủ Bianfishco vẫn đang ở Mỹ để "điều trị bệnh".

Chưa hết, đại gia trong lĩnh vực thủy sản này còn vay nợ nhiều ngân hàng khác. Theo báo cáo về tình hình vay nợ của Bianfishco gửi Thủ tướng, công ty của nữ đại gia thủy sản là con nợ của 10 ngân hàng với số tiền tổng cộng 1.300 tỷ đồng. 

Một "đại gia" thủy sản khác là Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam. Tháng 9/2012, khi thấy công ty này mất khả năng thanh toán, hàng loạt các chủ nợ - phần lớn là ngân hàng đứng ra yêu cầu công ty giải quyết trả nợ. Tuy nhiên, cũng khá giống với trường hợp của Bianfishco, chủ tịch công ty khi đó cũng đang ở Mỹ. Công ty Phương Nam cho biết có vay nợ tổng cộng 7 ngân hàng và rất nhiều các doanh nghiệp khác. 

Mới đây nhất là vụ 7 ngân hàng cùng vây xiết nợ đại gia cà phê - Công ty Trường Ngân (Bình Dương). Cùng lúc, 7 nhà băng cử các nhân viên đến xiết nợ, cử lực lượng bảo vệ tới giám sát kho hàng được cho là còn hàng nghìn tấn cà phê. Đây là tài sản đảm bảo duy nhất được Trường Ngân thế chấp để vay vốn tại cả 7 đơn vị và khi tranh chấp xảy ra, ngân hàng nào cũng khẳng định mình là "người đến trước".

Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương, sự việc xảy ra tại địa bàn nhưng trụ sở của Trường Ngân đặt tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương chỉ là nơi công ty đặt nhà xưởng, kho bãi. Hiện các bên vẫn tiếp tục thỏa thuận và giải quyết sự việc.

Cuối năm 2011, các ngân hàng cũng rơi vào cảnh tranh chấp tương tự nhưng lại với một kho hàng rỗng thay vì còn hàng nghìn tấn cà phê bên trong. Công ty chế biến thủy sản An Khang (Cần Thơ) nợ ít nhất 5 ngân hàng trên địa bàn TP. Cần Thơ, bao gồm ABBank, Vietinbank, SeaBank, Eximbank và Ngân hàng phát triển chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang. Số tiền nợ khoảng 305 tỷ đồng và An Khang không có khả năng chi trả. Ngoài ra còn có nhiều dấu hiệu cho thấy công ty này có hành vi gian dối, vỡ nợ, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo một chuyên gia pháp chế trong lĩnh vực ngân hàng, những vụ tranh chấp vừa qua cho thấy các bên thực sự chưa làm đúng quy định an toàn. Về nguyên tắc, một tài sản có thể được sử dụng để đảm bảo cho nhiều khoản vay ở các ngân hàng khác nhau, miễn là ngân hàng có biện pháp dự phòng rủi ro cho tài sản đó. Nếu cho vay bằng tài sản đảm bảo, nguyên tắc số một là tài sản đảm bảo phải có giá trị lớn hơn hoặc bằng khoản vay. Ngân hàng phải có quy trình đánh giá, thẩm định giá trị tài sản đó từ lúc bắt đầu cho vay và liên tục đánh giá lại định kỳ vài tháng một lần, đặc biệt với những tài sản là hàng hóa đang trong quá trình luân chuyển. Khi chấp nhận tài sản đảm bảo và cho vay, cả ba bên ngân hàng, doanh nghiệp và chủ kho phải có thỏa thuận chung về việc bảo vệ kho hàng. Hàng chỉ được đưa ra khỏi kho khi có đồng ý của cả ba bên. Và theo quy định, chủ kho và bên vay cũng như ngân hàng phải là 3 bên độc lập.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu gọi "cuộc đua" đòi nợ kiểu này của các ngân hàng là "bi hài kịch chỉ có ở Việt Nam". Theo ông, ở Mỹ - nơi ông từng sống và làm việc một thời gian dài - cũng có những doanh nghiệp thế chấp một kho bãi cho nhiều ngân hàng. "Tuy nhiên, mỗi ngân hàng đều có thứ tự ưu tiên để xử lý theo đăng ký giao dịch đảm bảo trên kho hàng đó. Các ngân hàng không cần phải trực chờ như vậy", ông Hiếu nói.

Một chuyên gia khác thì nhìn nhận câu chuyện này là một trong những ví dụ điển hình để thấy sự khó khăn của nền kinh tế. Theo ông, việc doanh nghiệp vay nợ tại nhiều ngân hàng không có gì là xấu nhưng mọi vấn đề chỉ xảy ra khi tình hình kinh tế ngày một khó khăn, năng lực trả nợ của họ yếu đi. "Đến nước này, tốt nhất các ngân hàng nên cùng ngồi lại với doanh nghiệp để tìm phương án cơ cấu nợ, cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh để 'cày' trở lại", vị chuyên gia này khuyên.