Ngân hàng thương mại, tập đoàn vào "tầm ngắm" kiểm toán

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ tập trung kiểm toán 42 doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước, đi sâu vào nhóm tập đoàn tài chính, tiền tệ để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công...

Ngân hàng thương mại, tập đoàn vào "tầm ngắm" kiểm toán
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thông tin trên được Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết tại cuộc họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2014 ngày 18/2.

Khó phát hiện vụ Huyền Như vì quá tinh vi

Liên quan đến Vụ án Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ đồng xảy ra tại Vietinbank, trả lời câu hỏi của báo chí về vai trò, trách nhiệm của KTNN đối với việc phát hiện sai phạm này, ông Lê Minh Khái cho rằng, đây là một loạt những hành vi lừa đảo tinh vi. “Khi kiểm toán một ngân hàng, KTNN chỉ có thể thực hiện bằng cách chọn mẫu. Có thể có những vụ lừa đảo quá tinh vi, không phát hiện ngay được”, Phó Tổng KTNN nêu giả thuyết, có thể khi thực hiện kiểm toán, các hoạt động liên quan đến vụ Huyền Như không nằm trong mẫu chọn của kiểm toán.

Tuy nhiên, ông Khái cũng cho rằng, bản thân ngân hàng có hệ thống kiểm soát nội bộ nhưng vẫn để lọt sai phạm. Kể cả lãnh đạo ngân hàng Vietinbank cũng không phát hiện sự việc khi nó xảy ra gần năm trời và chỉ biết được khi vụ việc vỡ lở. “Những vụ như Huyền Như là một bài học đối với ngành Kiểm toán. Ngành phải tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực... để phát hiện, tránh rủi ro kiểm toán có thể xảy ra”, ông Khái cho hay.

Trước đó, ông Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết, năm 2013, tổng hợp kết quả kiểm toán từ 150 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 22.778,1 tỷ đồng, trong đó: Các khoản tăng thu là 4.014,4 tỷ đồng; Các khoản giảm chi là 5.290,8 tỷ đồng; Các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu ngân sách nhà nước là 2.587,5 tỷ đồng; Các khoản phải nộp hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước là 9.817,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, KTNN cũng chuyển hồ sơ của 5 vụ việc sang cơ quan chức năng, trong đó có 4 vụ cho cơ quan điều tra (Tổng công ty Tài chính Sông Đà; Tổng công ty Thủy sản và hai vụ liên quan đến cho vay bất động sản không thu hồi được của hai chi nhánh Agribank Bình Phú, TP. Hồ Chí Minh), cùng một vụ cho cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước để điều tra, xử lý những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Nhiều “ông lớn” vào “tầm ngắm”

Theo kế hoạch năm 2014 của KTNN được công bố, năm nay cơ quan này sẽ tiến hành kiểm toán 185 đầu mối, gồm 14 bộ, ngành, cơ quan trung ương, 35 tỉnh, thành phố, 17 chuyên đề độc lập, 35 dự án đầu tư, 42 doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, 11 đầu mối thuộc Bộ Quốc phòng, 30 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh…

Theo Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái, so với năm trước, số doanh nghiệp nhà nước sẽ phải kiểm toán trong năm nay tăng 10 doanh nghiệp nhưng phạm vi và quy mô vẫn chỉ xấp xỉ năm trước. “Năm nay, việc kiểm toán sẽ đi sâu vào lĩnh vực tài chính, tiền tệ vì ảnh hưởng lớn đến kinh tế”, ông Khái thông tin.

Trong số 42 tập đoàn, tổng công ty sẽ được kiểm toán năm 2014 về báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2013 có Bảo Việt, Hóa chất Việt Nam, Bảo hiểm Petrolimex, Ngân hàng MHB, Chè Việt Nam, Bưu điện Việt Nam, Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, Quản lý bay Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Xi măng Việt Nam, Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cổ phần Bảo Minh...

Một trọng tâm khác mà KTNN cũng tập trung vào kiểm toán, đó là các chuyên đề: Giá xăng dầu, thu mua lúa gạo, sử dụng vốn cho vay, đầu tư tại một số ngân hàng…. chuyên đề huy động và sử dụng vốn tại Công ty Cho thuê tài chính I (ALCI) và ALCII thuộc Agribank; Công ty Cho thuê tài chính của BIDV, Vietinbank và Vietcombank...

Trong các nội dung của kế hoạch kiểm toán, ông Khái lưu ý, sẽ tăng cường kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, trong đó tập trung kiểm toán công tác quản lý thu ngân sách theo Luật Quản lý Thuế, phân tích cơ cấu các khoản thu, chú trọng khoản thu ngoài quốc doanh, thu tiền về sử dụng đất, các khoản thu phí, lệ phí ngành giáo dục, y tế, giao thông… gắn với các chuyên đề giáo dục đào tạo, xây dựng nông thôn mới.