Nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa của bên mua

Công ty Luật PLF

(Tài chính) Việc kiểm tra hàng hoá đóng vai trò nâng cao hiệu quả thực hiện hợp đồng, đồng thời ngăn ngừa rủi ro cho bên mua.

Pháp luật về thương mại chưa quy định cụ thể các nội dung liên quan đến việc kiểm tra hàng hóa. Nguồn: plf.vn
Pháp luật về thương mại chưa quy định cụ thể các nội dung liên quan đến việc kiểm tra hàng hóa. Nguồn: plf.vn

Theo Luật Thương mại 2005, kiểm tra hàng hoá không phải là nghĩa vụ luật định của bên mua, mà đây là quyền lợi của bên mua. Bên mua có quyền thực hiện việc kiểm tra hàng hóa trước khi bên bán giao hàng theo các thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng. Việc kiểm tra hàng hoá được bên mua thực hiện trước khi giao hàng nhằm phát hiện kịp thời khiếm khuyết của hàng hoá và thông báo cho bên bán tìm biện pháp khắc phục, giảm thiểu các chi phí phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho bên mua.

Khiếm khuyết được hiểu đơn giản là những điểm thiếu sót, không phù hợp giữa hàng hoá trên thực tế so với thỏa thuận về hàng hóa trong hợp đồng như chất lượng, quy cách, bao bì,... Trách nhiệm của bên mua và bên bán đối với khiếm khuyết của hàng hoá được xác định như sau:

- Đối với những khiếm khuyết có thể phát hiện bằng biện pháp thông thường như  quy cách, bao bì… trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên mua phải nhanh chóng tiến hành kiểm tra hàng hóa trong khoảng thời gian hợp lý và thông báo cho bên bán được biết về khiếm khuyết của hàng hóa. Khoảng thời gian hợp lý được xác định tuỳ vào loại hàng hoá.

Lưu ý rằng, nếu bên mua hoặc đại diện bên mua không thực hiện việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng theo thỏa thuận thì bên bán có quyền giao hàng theo hợp đồng. Đồng thời bên bán sẽ không phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hóa mà bên mua hoặc đại diện bên mua đã biết hoặc phải biết nhưng không thông báo cho bên bán trong thời hạn hợp lý sau khi kiểm tra hàng hoá, ngoại trừ những khiếm khuyết không thể phát hiện bằng biện pháp thông thường.

- Đối với những khiếm khuyết không thể phát hiện bằng biện pháp thông thường như các tiêu chuẩn kỹ thuật,… bên bán phải chịu trách nhiệm đối với những khiếm khuyết này  mặc dù bên mua hoặc đại diện bên mua đã kiểm tra đồng thời bên bán đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết đó nhưng không thông báo cho bên mua. Tuy nhiên, thông thường bên mua gặp khá nhiều khó khăn trong việc chứng minh trách nhiệm của bên bán trong trường hợp này.

Để hạn chế những rủi ro khi thực hiện hợp đồng, bên mua nên lưu ý đến các nội dung liên quan đến thông tin chi tiết của hàng hóa, thời gian kiểm tra hàng hóa của bên mua, việc thông báo của bên mua đến bên bán trong trường hợp hàng hóa có khiếm khuyết cũng như trách nhiệm của bên bán trong việc tạo điều kiện cho bên mua tiến hành kiểm tra hàng hóa và các nội dung khác tùy thuộc vào loại hàng hóa, phương thức giao hàng.

Nhìn chung, pháp luật về thương mại chưa quy định cụ thể các nội dung liên quan đến việc kiểm tra hàng hóa của bên mua cũng như trách nhiệm của bên bán, do đó PLF cho rằng bên mua khi tiến hành soạn thảo, ký kết hợp đồng nên quy định chi tiết và lường trước các trường hợp có thể xảy ra đối với nội dung kiểm tra hàng hóa, bao gồm cả việc quy định thời hạn và phương thức kiểm tra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có… việc này nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho bên mua.