Nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp: Nhiều vi phạm nghiêm trọng

Theo anninhthudo.vn

(Tài chính) Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, thực trạng vi phạm trong lĩnh vực thuế, hải quan có tỷ lệ cao và đang có xu hướng phát triển ở nhiều lĩnh vực, bộ phận khá nghiêm trọng. 92% doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm về thuế.

Nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp: Nhiều vi phạm nghiêm trọng
Áp dụng các phương tiện hiện đại để quản lý rủi ro, phân loại doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Nguồn: internet
Phần nổi của tảng băng chìm

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hiện nay vào khoảng 480.000 doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp thường xuyên có doanh số kê khai chỉ là 390.000. 50.000 – 55.000 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động, đây cũng là nhóm gây thất thu ngân sách. 

“Qua quá trình thanh tra, kiểm tra ở cơ quan thuế, mỗi năm chúng tôi mới thanh tra, kiểm tra được 18-20% doanh nghiệp, nhưng có tới 92% doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm về thuế. Một năm chúng tôi truy thu cho ngân sách tới 12.600 tỷ đồng (trong năm 2012), 9 tháng đầu năm nay là 8.500 tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết. 

Đánh giá về tình trạng vi phạm của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: “Tỷ lệ như vậy là rất cao. Số doanh nghiệp được thanh tra chưa tới 20%, như vậy câu hỏi được đặt ra là 80% số doanh nghiệp còn lại có vi phạm hay không? Trong 20% số doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra  mà số liệu đã như vậy thì có thể thấy sự vi phạm rất cao. Trong đó, nhiều vi phạm là có dấu hiệu hình sự mà chúng ta mới chỉ xử lý hành chính?”.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn thẳng thắn: “Tình trạng vi phạm ở mức độ hình sự khá cao, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng và phát triển. Qua các con số cũng như phối hợp thanh tra, kiểm tra có thể thấy đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”. 

Nguy cơ phát sinh những loại tội phạm mới

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, ngoài những vấn đề có tính chất truyền thống đối với lĩnh vực thuế thì việc lợi dụng sự thông thoáng trong việc khuyến khích đầu tư, thành lập doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hội nhập kinh tế thì trong tương lai có thể phát sinh những loại tội phạm mới.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, tội phạm lợi dụng giữa sự thông thoáng và công nghệ mới như thương mại điện tử, đa cấp điện tử, kinh doanh qua mạng... Nhóm lĩnh vực về kinh tế biên mậu, nhóm liên quan tới dịch vụ tài chính ngân hàng, bảo hiểm, tài chính phái sinh, nhóm đất đai, bất động sản cũng cần được chú ý trong thời gian tới. 

“Phải đổi mới ứng dụng các phương tiện, công nghệ hiện đại để quản lý rủi ro, phân loại doanh nghiệp. Mỗi loại doanh nghiệp có một loại rủi ro riêng, ví dụ như FDI có vấn đề chuyển giá. Tổng cục Thuế đã kết thúc công tác rà soát 3.600 doanh nghiệp trong đó đưa vào danh sách kiểm tra 300 doanh nghiệp để thanh tra chống chuyển giá.

Trong 300 doanh nghiệp đó đã phát hiện 225 doanh nghiệp có hoạt động chuyển giá, như vậy tỷ lệ là rất cao. Có những doanh nghiệp chuyển giá, chấp nhận giảm lỗ gần 900 tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ Tài chính phân tích. Các chuyên gia trong lĩnh vực thuế chỉ rõ, những đối tượng này có luật sư tư vấn, nghiên cứu chính sách và có bộ máy quản lý tốt vì vậy cần phải có giải pháp phù hợp. 

Trước tình trạng thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng, ai cũng có thể đứng ra thành lập doanh nghiệp khiến việc quản lý thuế gặp nhiều khó khăn, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, cần tiếp tục kiến nghị mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề điều kiện thành lập doanh nghiệp. Để thành lập doanh nghiệp cần có ít nhất 3 điều kiện về nhân thân, cơ sở vật chất – tài chính và điều kiện tối thiểu về quản trị kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang tăng cường kiểm soát những vi phạm liên quan tới hóa đơn, chứng từ thông qua việc siết chặt quy định về tự in hóa đơn.