Ngoại tệ vẫn “lén lút” qua cửa khẩu

Theo Thời báo Ngân hàng

Với những vụ việc phức tạp, có đường dây tổ chức với quy mô lớn, hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế bao giờ cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ với những cơ quan chức năng như công an, an ninh… để kịp thời phát hiện, lập biên bản thu giữ tang vật...

Ngoại tệ vẫn “lén lút” qua cửa khẩu
Ngoại tệ vận chuyển trái phép bị phát hiện và thu giữ tại chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Mặc dù đã bắt giữ và xử lý nhiều vụ vận chuyển ngoại tệ trái phép qua cửa khẩu nhưng tình trạng này vẫn chưa chấm dứt.

Ông Phạm Trí Dũng - Phó chi Cục trưởng, Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế (SBQT) Tân Sơn Nhất cho biết, mặc dù thời gian gần đây số vụ việc vận chuyển ngoại tệ qua biên giới không khai báo có chiều hướng giảm so với những năm trước, nhưng tính chất vụ việc lại có phần phức tạp với số lượng vận chuyển trái phép/lần lớn hơn trước.

Mới đây nhất, Đội Thủ tục hành lý Nhập khẩu – Chi cục Hải quan SBQT Tân Sơn Nhất khi làm thủ tục hải quan cho một hành khách mang quốc tịch Nigeria, khai báo mang theo 120.000 USD. Tuy nhiên khi kiểm tra thực tế, công chức Hải quan phát hiện hành khách này mang theo 239.100 USD.

Như vậy, hành khách này đã mang thừa so với khai báo là 119.100 USD. Sau khi trả lại cho đương sự số tiền đã khai báo và trừ 5.000 USD theo tiêu chuẩn, Chi cục Hải quan SBQT Tân Sơn Nhất đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi khai sai số ngoại tệ mang theo khi xuất nhập cảnh, tạm giữ 114.100 USD (trị giá số ngoại hối vi phạm tương đương gần 2,4 tỷ đồng).

Tương tự, tại Chi cục Hải quan SBQT Đà Nẵng cũng đã phát hiện 3 người Trung Quốc mang ngoại tệ chuẩn bị lên máy bay ra khỏi Việt Nam mà không khai báo, với tổng số ngoại tệ trong hành lý xách tay chuẩn bị xuất ngoại lên đến gần 100.000 USD, không có giấy tờ hợp lệ.

Hay điển hình là vụ việc hai phụ nữ bị an ninh SBQT Nội Bài (Hà Nội) phát hiện mang theo hơn 2,2 triệu USD và 1.198.000 tiền Đài Loan không có giấy tờ vào tháng 1/2013 cho thấy hiện tượng này vẫn đang tiếp diễn phức tạp.

Theo ông Dũng, thông thường trước đây để mang ngoại tệ không khai báo ra nước ngoài, người thực hiện hành vi này thường gói ghém, cất giấu kỹ hoặc ngụy trang, trà trộn tiền bạc trong đống tài liệu, sách báo, hành lý xách tay. Nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, thiết bị máy soi kỹ thuật cao nên thường bị phát hiện. Thời gian gần đây, một số đối tượng đã chuyển đổi hình thức dùng những cọc tiền quấn quanh người hoặc dấu vào một số nơi khó phát hiện.

Theo một Lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, những vụ việc nêu trên không phải là điển hình chỉ xảy ra riêng tại địa bàn nào. Song với đặc thù những tỉnh thành, địa phương có cửa khẩu là các SBQT thường lưu lượng khách quốc tế, Việt kiều xuất nhập cảnh có ngoại tệ mang theo là khá lớn. Vì vậy, nếu công tác nghiệp vụ không đảm bảo đúng quy trình thủ tục rất dễ xảy ra tình trạng mang ngoại tệ ra vào cửa khẩu trái phép, không khai báo rõ ràng.

Tuy nhiên, với những vụ việc phức tạp, có đường dây tổ chức với quy mô lớn, hải quan cửa khẩu SBQT bao giờ cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ với những cơ quan chức năng như công an, an ninh… để kịp thời phát hiện, lập biên bản thu giữ tang vật. Với việc làm này, ngành hải quan đã góp phần ngăn chặn một lượng ngoại tệ không nhỏ bị tuồn ra khỏi biên giới qua các cửa khẩu SBQT, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trong năm qua toàn Cục Hải quan thành phố đã phát hiện 6.109 vụ vi phạm hành chính về hải quan với giá trị tang vật vi phạm lên đến 726 tỷ đồng. Đặc biệt, ngoài những vụ việc phát hiện về vận chuyển ma túy, ngà voi, gỗ quý... Chi cục Hải quan SBQT Tân Sơn Nhất và Trung tâm chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện kịp thời nhiều vụ mang ngoại tệ, vàng, kim cương trái phép.