Người tiêu dùng thờ ơ với quyền lợi của chính mình

Theo thoibaonganhang.vn

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay các vi phạm về hàng giả, hàng nhái trên thị trường khá phổ biến và đang có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ. Hoạt động này không những gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 7/2016, các lực lượng chức năng thành phố đã phát hiện 2.551 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… với tổng trị giá hàng vi phạm ước tính trên 161,8 tỷ đồng; xử lý 2.520 vụ, thu nộp ngân sách trên 267,5 tỷ đồng (bao gồm tiền phạt và tiền bán hàng tịch thu).

Tương tự, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cũng cho biết, trong tháng 7/2016, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra 4.401 vụ, qua đó xử lý 1.945 vụ, khởi tố 1 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, tiền bán thanh lý hàng tịch thu, trị giá hàng chưa bán, trị giá hàng tiêu hủy gần 380 tỷ đồng.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã phát hiện và xử lý hàng nghìn vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Những đối tượng này ngày càng hoạt động tinh vi đã gây nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh. Tuy nhiên, còn không ít vụ việc chưa được phát hiện kịp thời...

Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan hiện nay, các chuyên gia cho rằng,  người tiêu dùng cần phải biết cách tự bảo vệ mình và tiêu dùng thông minh hơn. Đồng thời, khi phát hiện quyền lợi bị xâm phạm thì cần đấu tranh để đưa các hoạt động vi phạm này ra xử lý… Tuy nhiên, việc chủ động đấu tranh với hàng giả, hàng nhái từ phía người tiêu dùng còn rất hạn chế.

Theo Hội bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Hà Nội, nhiều người khi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình bị xâm phạm lại chỉ biết im lặng, không dám lên tiếng. Chỉ khi bị xâm phạm nghiêm trọng, thiệt hại với giá trị lớn thì họ mới gửi đơn khiếu nại. Thậm chí trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng không biết gửi đơn khiếu nại đến cơ quan nào, trình tự giải quyết ra sao…

Kết quả khảo sát nhận thức của người dân về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho thấy, hơn một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát trả lời đã từng bị xâm phạm quyền lợi với tư cách là người tiêu dùng trong khoảng thời gian từ năm 2011-2015 (chiếm 56%).

Thống kê cũng chỉ ra một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được nhiều người tiêu dùng phản ánh đã từng bị xâm phạm quyền lợi khi sử dụng trong thời gian qua là thực phẩm, nước giải khát (19,69%); đồ điện tử gia dụng (13,05%); hàng hóa tiêu dùng thường ngày khác (12,88%); điện thoại, viễn thông (9,17%); thời trang, trang sức (6,57%); du lịch, nhà hàng (5,6%); máy tính, kết nối Internet (5,37%); y tế, chăm sóc sức khỏe (5,2%)…

Ông Phan Thế Thắng, Phó trưởng Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh) đánh giá, điều này thể hiện đúng thực trạng thị trường tiêu dùng, cũng như các khiếu nại chủ yếu của người tiêu dùng hiện nay. Trong đó, nổi lên vấn đề về thực phẩm không an toàn, mất vệ sinh; hay chất lượng, chế độ bảo hành đồ điện tử gia dụng, điện thoại, dịch vụ viễn thông không đảm bảo... đang gây nhiều bức xức cho người tiêu dùng.

Mặc dù quyền lợi bị xâm phạm, nhưng qua khảo sát lại cho thấy người tiêu dùng ít quan tâm đến việc đấu tranh bảo vệ chính mình. Khi được hỏi “Trong quá trình mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, nếu xảy ra tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh, bạn thường chọn phương án nào?”, thì có tới 44% số người được hỏi chọn phương án im lặng và bỏ qua vụ việc; 20% yêu cầu hỗ trợ từ cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 36% thực hiện việc khiếu nại đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Lý do được người tham gia khảo sát lý giải cho việc im lặng, bỏ qua vụ việc là vì giá trị tranh chấp nhỏ; thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tới cơ quan có thẩm quyền phức tạp; và vì không biết đến quy định pháp luật có liên quan...