Nguy cơ tranh chấp quanh chiếc xe hơi khuyến mãi của Vietjet

Theo dantri.com.vn

(Tài chính) Chủ nhân chiếc xe hơi Toyota Vios E trong chương trình “Bay Vietjet - Trúng xe hơi” đã lộ diện, đó là anh Huỳnh Ngọc K., nhân viên công ty X., tuy nhiên chương trình khuyến mãi này đang vấp phải rắc rối lớn.

Chương trình khuyến mãi xe hơi của Vietjet vô tình rơi vào tình huống "khó xử". Nguồn: dantri.com.vn
Chương trình khuyến mãi xe hơi của Vietjet vô tình rơi vào tình huống "khó xử". Nguồn: dantri.com.vn
Chiếc vé trúng thưởng tên anh K. nhưng tiền vé lại cho công ty X. chi trả. Ai sẽ được nhận chiếc xe hơi bạc tỷ này, người đi máy bay hay công ty chi trả tiền vé máy bay?

Tại buổi quay số ngày 4/10/2014 đã tìm ra hành khách Huỳnh Ngọc K. trên chuyến bay VJ8389 ngày 23/9/2014 đã trúng giải thưởng cao nhất là xe Toyota Vios E. Theo thể lệ chương trình khuyến mãi Vietjet đã công bố trước đó, chỉ cần anh K. đưa ra được cuống vé lên tàu (boarding pass), chiếc Toyota Vios E sẽ thuộc về anh. 

Tuy nhiên, một nguồn thông tin tin cậy tiết lộ với phóng viên, rất có thể anh K. sẽ không được nhận chiếc xe bạc tỷ này. Nguyên do, chiếc vé trúng thưởng người đi là hành khách Huỳnh Ngọc K. nhưng tiền mua vé lại cho công ty X. chi trả. Anh K.là nhân viên công ty này và khi đi công tác anh được công ty mua vé máy bay.
 
Trước tình tiết phát sinh ngoài dự kiến này, dường như Vietjet khá lúng túng, chưa biết phải trao giải thưởng cho ai. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, trường hợp giải thưởng đã công bố nhưng không có chủ nhân nhận thì chiếc xe sẽ phải sung công quỹ. Nếu Vietjet trao giải không đúng đối tượng thì khả năng sẽ xảy ra khiếu kiện.
 
Việc hành khách đã trúng thưởng nhưng khó nhận được xe gây tranh cãi lớn không chỉ vì đây là lần đầu tiên xảy ra tranh chấp giải thưởng khuyến mãi mà còn bởi tình tiết pháp lý khá hy hữu.
 
“Gần đây nhiều công ty tiết kiệm chi phí nên sử dụng vé máy bay của Vietjet cho nhân viên đi công tác. Công ty tôi cũng thường xuyên đặt vé Vietjet, đợt khuyến mãi này cũng có anh chị đi công tác bằng vé công ty. Giả sử có trúng thưởng tôi nghĩ công ty không nên tranh chấp giải thưởng với nhân viên vì đây là may mắn, công ty trả tiền nhưng người gặp may là hành khách. Trả thưởng cho hành khách trúng thưởng là đúng”, bạn Tâm Anh, nhân viên một công ty bảo hiểm nhân thọ ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Không đồng tình với Tâm Anh, bạn Vũ Chiến, nhân viên một công ty liên doanh với Hàn Quốc tại Hà Nội lại cho rằng công ty của anh K. sẽ được nhận xe vì tiền mua vé do công ty chi trả. “Chiếc vé đó do công ty bỏ tiền mua thì là tài sản của công ty, công ty có quyền định đoạt tài sản đó. Khi anh K. đi công tác về, giữ lại cuống vé cũng phải nộp cho phòng kế toán của công ty để thanh toán tiền công tác phí kia mà. Trong trường hợp này, Vietjet trao giải cho công ty của anh K. là đúng, công ty của anh K. có thể thưởng cho anh K. một số tiền nào đó cho sự may mắn này”, bạn Vũ Chiến nêu quan điểm. 

Ý kiến này của bạn Vũ Chiến vấp phải sự phản đối khá dữ dội. Trên mạng xã hội, nhiều bạn “trưng” ra các dẫn chứng như: thể lệ chương trình “bay Vietjet, trúng xe hơi”, trong đó quy định khá đơn giản rằng hành khách trúng thưởng chỉ cần giữ lại vé lên tàu (boarding pass) dùng để đối chiếu trong trường hợp trúng thưởng là vé trúng thưởng đã hợp lệ.
 
“Trong thể lệ Vietjet không nói rõ vé hợp lệ để tham gia chương trình phải là vé do chính hành khách đi máy bay mua và trả tiền. Như vậy, mặc định chúng ta có quyền hiểu vé tên ai đi thì trúng thưởng thuộc về người đó mà không cần quan tâm tới tiền vé ai trả, ai đặt lệnh mua vé (rất nhiều trường hợp mua vé Vietjet qua đại lý hoặc vé được cho, tặng được công ty trả tiền để đi công tác). Vietjet cần fairplay, luật chơi quy định chung chung, giờ phát sinh tình huống pháp lý rắc rối, cần căn cứ thể lệ để trao giải thưởng cho khách hàng đã trúng thưởng”, bạn Đức Tuấn, phụ trách một phòng vé tại Đà Nẵng phân tích. 
 
Dưới góc độ pháp lý, ThS. Lê Thành Vinh, Phó Tổng Giám Đốc Công ty luật SmiC cho rằng cần làm rõ ai là chủ sở hữu chiếc vé trúng thưởng tuy nhiên pháp luật dân sự lại chưa có quy định chi tiết về những trường hợp tương tự.
 
Theo đó, quy định về sở hữu trong luật dân sự nêu ai là chủ sở hữu tài sản thì người đó sẽ được hưởng lợi tức phát sinh từ tài sản. Trong trường hợp vé máy bay, hành khách cần chứng minh công ty đưa cho anh vé để sử dụng hay cho anh vé máy bay. Nếu là cho vé máy bay thì chiếc xe hoàn toàn thuộc về hành khách, nếu công ty chỉ cho sử dụng (cho mượn, hành khách sẽ phải trả lại tiền vé bằng trừ vào tiền lương hay công tác phí chẳng hạn) thì giải thưởng thuộc về người sở hữu vé, là công ty đã mua vé để hành khách sử dụng.
 
“Trong mọi trường hợp, Vietjet vẫn có nghĩa vụ trả thưởng theo đúng quy chế, thể lệ chương trình khuyến mãi đã công bố trước đó. Người nhận thưởng phải là hành khách, chính là người đi máy bay, có số vé, số ghế, tên trùng với CMND hành khách sử dụng hôm đi máy bay. Còn sau đó, khi hành khách đã nhận thưởng, hành khách sử dụng giải thưởng như thế nào, đưa về công ty hay được coi là tài sản riêng là do thoả thuận giữa hành khách và chính công ty mà hành khách là nhân viên ở đó”, Luật sư Lê Thành Vinh khẳng định.
 
Cuộc tranh luận “chiếc xe trúng thưởng thuộc về ai” vẫn chưa có hồi kết. Chưa rõ Vietjet sẽ “phân xử” ra sao trước tình huống rắc rối này.